Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 40

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 40: Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26, 36-46)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề: “Bí tích Thánh Thể – Bí tích Tình Yêu. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng: Vì yêu mà Chúa hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Vì yêu mà Chúa ở lại với chúng ta trong bí tích Thánh Thể mọi ngày cho đến tận thế.

Tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn Tin mừng Mt 26, 36-46 với chủ đề “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha“. Đoạn Tin mừng tường thuật lại thời khắc quan trọng của Chúa Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni, trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và cái chết. Nơi đây, chúng ta sẽ chiêm ngắm một Thiên Chúa với bản tính con người đã vượt qua thời khắc khó khăn tột cùng này như thế nào. Để từ đó, trong đời sống, vào những lúc gặp khó khăn thử thách chúng ta cũng cùng với Chúa Giê-su thưa lên với Chúa Cha: Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 26, 36-46)

II. NỘI DUNG

1. Nhân tính của Chúa Giê-su

Bài học đầu tiên chúng ta có thể thấy được từ trình thuật này là Chúa Giê-su Ki-tô cũng là một con người thật. Có nhiều đoạn Tin mừng diễn tả về cuộc sống trần thế với hoạt động và cảm xúc rất đời thường của Chúa Giê-su, nhưng không có chỗ nào cho thấy Ngài phải chịu áp lực và bị tổn thương hơn ở đây. Tin mừng thuật lại rằng, Ngài kéo riêng ba môn đệ thân tín nhất là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, ra một bên và giãi bày lòng mình với họ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mt 26,38). Quả thật, đây là một nỗi buồn rất lớn: nó lớn đến nỗi Chúa Giê-su muốn có người bên cạnh để đồng hành. Nó lớn đến mức gần như chết được Ngài.

Xét về bản tính con người, Chúa Giê-su cũng giống như chúng ta khi Ngài phải chịu những nỗi đau đớn. Nhưng xét về mức độ, nỗi đau Ngài phải gánh chịu lớn hơn bất cứ nỗi đau nào của phận người chúng ta. Vì điều đè nặng lên Ngài là sứ vụ gánh lấy tội lỗi của cả thế gian và chịu lấy sự trừng phạt của nó thay cho chúng ta. Quả vậy, trong Kinh Thánh, “Chén” là hình ảnh tượng trưng cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Và, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì tội lỗi nhân loại đã khiến Chúa Giê-su phải lo buồn khi Ngài xin Chúa Cha cất nó khỏi mình: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26,39).

2. Tầm quan trọng của việc cầu nguyện

Bài học thứ hai chúng ta có thể học được từ trình thuật này là tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su được khởi đầu và kết thúc cùng với sự cám dỗ không ngừng của Sa-tan. Sau khi chịu phép rửa của Gio-an Tẩy Giả và ăn chay 40 ngày, Chúa Giê-su đã bị quỷ cám dỗ trong hoang địa (x. Mt 4,3-10). Giờ đây, trong vườn Cây Dầu, khi Chúa Giê-su phải đau buồn vào đêm cuối cùng của cuộc sống trần gian, quỷ lại cám dỗ Người một lần nữa. Mỗi lần chịu cám dỗ Chúa Giê-su đều phản ứng lại bằng cách cầu nguyện với Chúa Cha. Có thể thấy, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su là một lời cầu nguyện mẫu mực với bốn khía cạnh: là lời cầu nguyện đích thực vì thưa với Chúa Cha; là lời cầu nguyện hữu hiệu vì vâng theo ý Chúa Cha; là lời cầu nguyện kiên trì vì lặp lại cùng một điều; và sau cùng, đây là lời cầu nguyện trong đức tin và hy vọng.

Trong bốn khía cạnh trên, khía cạnh đáng chú ý nhất là cầu nguyện vâng theo ý Chúa Cha. Quả vậy, Chúa Giê-su đã biết ý định mà Chúa Cha dành cho Ngài. Dẫu vậy, Ngài kiên trì giãi bày nguyện vọng của mình không phải để Chúa Cha nghe theo nguyện vọng đó, nhưng là để chính Ngài thay đổi theo một nguyện vọng lớn hơn là: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

3. Sự yếu đuối của xác thịt

Bài học cuối cùng là lời Chúa Giê-su cảnh báo các môn đệ. Xen kẽ những lần đi cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giê-su không quên căn dặn các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41). Trong Tân Ước, thể xác có nghĩa là “xác thịt đơn thuần”. Thể xác chỉ toàn thể con người khi tách khỏi Thần Khí tái sinh và thanh tẩy của Thiên Chúa. Thể xác tượng trưng cho hình ảnh “con người là tội nhân” và là một tội nhân yếu hèn. Hơn cả sự yếu hèn về mặt thể lý, nó ám chỉ trình trạng bại hoại, tội lỗi và nổi loạn trong tâm hồn.

Mặc dù mang trong mình bản tính con người nhưng Chúa Giê-su vẫn là Thiên Chúa, Ngài là Con Đức Chúa Trời và luôn kết hợp với Thần Khí, nên Ngài không cần phải cầu nguyện. Nhưng nếu Ngài còn cầu nguyện thì con người chúng ta yếu đuối, tội lỗi, ngu dốt, lại thường mê ngủ và không biết gì về những cám dỗ đang bủa vây xung quanh mình mỗi ngày. Chính Chúa Giê-su đã kinh nghiệm được sự yếu đuối của xác thịt con người. Ngài quả quyết rằng, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện, chắc chắn chúng ta sẽ sa vào cám dỗ. Như thế, cách duy nhất để có thể đứng vững và cậy dựa vào quyền năng của Chúa Giê-su, Đấng đã có thể đứng vững và cầu thay cho chúng ta, để chúng ta cũng có thể đứng vững ngay cả trong cầu nguyện.

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Chúng ta vừa tìm hiểu đoạn Tin mừng Mt 26, 36-46 với chủ đề “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Xin được đưa ra vài điểm giúp cộng đoàn suy niệm và thực hành:

1. Chúa Giê-su đã uống chén thịnh nộ của Thiên Chúa để chúng ta được uống  chén hiệp thông, là chén giao ước mới trong bửu huyết Chúa Ki-tô. Chúng ta hãy năng chạy đến bàn tiệc Thánh Thể để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau.

2. Con người chúng ta yếu đuối lắm. Vì vậy, mỗi người cần phải luôn cầu nguyện để kín múc sức mạnh nơi Chúa. Chính Chúa Giê-su đã cầu nguyện và nêu gương cho chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa cơn cám dỗ.

3. Chúa Giê-su đã xin vâng ý Cha để thực hiện chương trình cứu độ. Xin cho chúng ta biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa; biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Xin cho chúng ta biết xin vâng khi vui; xin vâng lúc buồn; xin vâng khi hạnh phúc; xin vâng lúc khổ đau để cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ.

IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Ở số tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề: Giọt lệ sám hối của Phê-rô sau khi chối Thầy.

Xin quý cộng đoàn vui lòng đọc trước đoạn Tin Mừng Mt 26, 69-75.

—————————

NGUỒN THAM KHẢO

– MacArthur, J. (1989). Matthew (166-178). Chicago: Moody Press.

– Boice, J. M. (2001). The Gospel of Matthew (564). Grand Rapids, Mich.: Baker Books.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org