Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 39

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 39: Bí tích Thánh Thể – Bí tích tình yêu (Mt 26,17-29)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Cuộc phán xét chung” từ Mt 25,31-46. Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về “Bí tích Thánh Thể – Bí tích Tình yêu” trong Mt 26, 17-29. Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta việc Chúa Giê-su biến đổi Lễ Vượt Qua của dân Do Thái thành bữa Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng của Chúa trên trần gian với những cử chỉ đặc biệt để các môn đệ tưởng nhớ đến tình yêu vô bờ của Ngài. Đồng thời, qua bữa tiệc ly, Chúa còn mạc khải cho các môn đệ biết Ngài chính là Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa. Nhờ Máu của Ngài đổ ra, từ nay, mọi người sẽ thoát cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết để được trường sinh trong Nước Trời.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 26,17-29)

II. BỐ CỤC

Bản văn Mt 26,17-29 được chia thành ba phần như sau:

[1]. Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (cc.17-19).

[2]. Bữa tiệc Vượt Qua bắt đầu với việc tiên báo Giu-đa sẽ phản bội (cc.20-25).

[3]. Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể – Bí tích tình yêu (cc.26-29)

III. NỘI DUNG

Chủ đề mà chúng ta tìm hiểu hôm nay nhắm đến bữa Tiệc Vượt Qua cuối cùng, còn gọi là bữa Tiệc Ly giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Theo Tin Mừng Mát-thêu, trình tự của bữa tiệc gồm ba giai đoạn: (1) Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua, (2) Bữa tiệc bắt đầu với việc tiên báo Giu-đa sẽ phản bội và (3) Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể – Bí tích tình yêu.

1. Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (Mt 26,17-19)

Chỉ trong ba câu vỏn vẹn, hạn từ “Lễ Vượt Qua” lặp lại đến ba lần, cộng thêm việc Đức Giê-su đã lên kế hoạch chuẩn bị cho bữa tiệc từ trước đó và sai tất cả nhóm Mười Hai đi chuẩn bị (c.18) đã nói lên tầm quan trọng của ngày lễ này đối với Đức Giê-su. Việc chuẩn bị này quan trọng bởi lẽ qua bữa tiệc ly, một mặt, Đức Giê-su cùng các môn đệ mừng kỷ niệm biến cố Thiên Chúa đã giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị Ai Cập trong Cựu Ước; mặt khác, chính Đức Giê-su sẽ thánh hóa ngày lễ này bằng chính cuộc Vượt Qua của Ngài sắp diễn ra, để giải thoát toàn nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi.

2. Bữa tiệc bắt đầu với việc tiên báo Giu-đa sẽ phản bội (Mt 26,20-25)

Đối với Đức Giê-su, đây là bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, bữa tiệc thấm đẫm tình yêu chia ly. Sự chia ly đầu tiên là với Giu-đa.

Giu-đa đã âm mưu nộp Đức Giê-su, một sự mưu toan trong bí mật (x. Mt 26,14-16). Ông có thể giấu các môn đệ khác, nhưng không thể giấu Đức Giê-su, Đấng là Chúa, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc. Vì là Chúa, nên Đức Giê-su có thể vạch trần hay giáng phạt Giu-đa bằng uy quyền của Ngài. Thế nhưng, vũ khí duy nhất Đức Giê-su dùng không phải là sự giáng phạt, mà là tiếng gọi của tình yêu. Ngài tôn trọng quyết định tự do của Giu-đa, không ép buộc, nhưng kêu gọi hoán cải.

Trước hết, Đức Giê-su đánh thức Giu-đa đối diện với tội lỗi của chính ông bằng việc cảnh báo: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp thầy” (c.20). Sau đó, Ngài làm cho ông phải đối diện với chính Ngài (cc.23-24). Câu hỏi của Giu-đa: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” và câu trả lời của Đức Giê-su: “Chính anh nói đó?” (c.25) đã nói lên sức mạnh của Thiên Chúa yêu thương. Vì yêu, nên Đức Giê-su đã thẳng thừng để Giu-đa nhận thức sai lầm và tội lỗi của ông. Thế nhưng, tiếng gọi cuối cùng của tình yêu ấy đã bị sự cố chấp gạt bỏ, dù cho đã đối diện với tội mình và đối diện với Đức Giê-su, Giu-đa không quay đầu mà chọn hướng đi vào bóng tối (x. Ga 13,30).

3. Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể – Bí tích tình yêu (Mt 26, 26-29)

Khép lại việc cảnh báo cho Giu-đa, Đức Giê-su tiếp tục bữa tiệc bằng việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đây chính là cao điểm của bữa tiệc, cũng là cao điểm của tình yêu mà Đức Giê-su biểu lộ cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta.

Hai hạn từ ‘bánh’ và ‘rượu’ được làm nổi bật lên trong lời của Đức Giê-su. Với việc thánh hóa để bánh và rượu trở nên Máu Thịt mình (cc. 26.28), Đức Giê-su đã diễn tả cái chết của Ngài như là hy tế của lễ Vượt Qua mà Người là con Chiên mới (x. Mc 14, 22-24 & x. Ga 1,29.36; 18,28; 19,14.31.32).

Khi bẻ bánh, Đức Giê-su ám chỉ đến cái chết của chính mình. Cái chết đó được Thánh sử Lu-ca chỉ rõ là “vì anh em” (x. Lc 22,19). Như thế, qua tấm bánh bị bẻ ra, Đức Giê-su đã biểu lộ tình yêu hiến trao đến cùng tận khi trao hiến chính thân mình, đền thay tội lỗi nhân loại, để cứu nhân loại. Tấm bánh không chỉ hiện thực hóa cái chết của Đức Giê-su, nhưng còn biểu lộ Ngài chính là lương thực thần thiêng để nuôi sống con người vì “Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (x. Ga 6,51).

Với rượu, có một chữ căn bản chỉ về ý định và công việc của Đức Giê-su, đó là chữ “giao ước”. Đức Giê-su nói rượu trở nên máu Ngài và Máu ấy là Máu của giao ước (c.28). Trong Cựu Ước, qua ông Mô-sê, Thiên Chúa đã ký kết với dân Người một giao ước trên núi Si-nai bằng máu con vật rảy trên dân chúng (x. Xh 24, 4-8). Giờ đây, để kiện toàn giao ước cũ, Đức Giê-su dùng chính máu của mình, tuôn đổ trên nhân loại bằng cái chết trên thập giá, để ký kết một giao ước vĩnh cửu, giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Giao ước này là Giao Ước Mới gắn liền với sự tha tội mở ra cho nhân loại một con đường để bước vào một tương quan yêu thương mới với Thiên Chúa.

Ý nghĩa ‘bánh’ và ‘rượu’ ấy tiếp tục được hiện tại hóa trong việc cử hành Thánh lễ trong Giáo hội. Đây chính là điều Đức Giê-su đã chối lại cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Như thế, mỗi khi vị chủ tế dâng bánh và rượu thì hình ảnh Đức Giê-su chịu hiến tế tiếp tục được diễn ra, đền thay tội lỗi cho tất cả những ai tham dự và hiệp thông vào Bí tích nhiệm mầu này.

Không chỉ vậy, cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su còn mang nghĩa cánh chung. Đối với các Ki-tô hữu, mầu nhiệm vượt qua hoàn tất lúc họ chết, sống lại và gặp Chúa. Như thế, lễ vượt qua ở trần gian chuẩn bị cho cuộc vượt qua sau cùng là được tham dự vào bữa tiệc trên Thiên Quốc. Đó là điều mà Đức Giê-su đã ám chỉ khi nói về thứ rượu mới trong Nước của Cha Ngài (c.29).

Tóm lại, trong khung cảnh bữa Tiệc Ly, với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su đã chính thức bước vào hành trình thập giá. Về quá khứ, đoạn văn cho chúng ta biết rằng, Đức Giê-su đã thiết lập một giao ước mới qua việc hy sinh chính máu mình. Liên quan đến hiện tại, trình thuật của Thánh Mát-thêu về bữa ăn tối cuối cùng là lời hướng dẫn cho việc cử hành Bữa Tiệc Ly đang diễn ra trong Giáo hội, và ngụ ý rằng việc tham gia vào nghi thức này là tham gia vào các hiệu quả từ cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Về tương lai, bữa tiệc Thánh Thể là sự tham dự trước vào bữa tiệc cánh chung trong Nước Trời.

IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề “Bí Tích Thánh Thể-Bí Tích Tình Yêu” qua bài tin mừng của thánh Mát-thêu. Để kết thúc bài học tuần này, xin gợi ý với cộng đoàn vẻ đẹp vĩnh hằng của Bí tích Thánh Thể qua những suy niệm của một số vị thánh:

1. “Bí tích Thánh Thể là con đường ngắn nhất và an toàn nhất để đến Thiên Đàng.” – Thánh Giáo hoàng Pi-ô X.

2. “Khi chúng ta đón nhận Thánh Thể, nhựa yêu thương phủ lấp hồn ta như loài ong được loài hoa bao bọc.” – Thánh Gioan Maria Vianney.

  3. “Nếu các Thiên Thần có gì để ganh tỵ với loài người, thì đó chỉ là vì một thứ mà thôi: quyền được rước lấy Mình Thánh Chúa.” – Thánh Maximilian Kolbe.

4. Xin cho mỗi người chúng ta luôn chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để đón rước Mình và Máu Thánh Chúa hằng ngày như của nuôi đời sống thiêng liêng của chúng ta trên con đường lữ hành về Thiên đàng.

V. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Thánh Thể, suối nguồn tình yêu vô biên mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại ngang qua Giáo hội, đó là chủ đề mà chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu. Trong tuần tới, chúng ta tiếp tục đến với chủ đề: Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.

Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 26,36-46.

——————————

NGUỒN THAM KHẢO

[1]. Davies, W. D., & Allison, D. C. A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew . London;  New York: T&T Clark International, 2004, tr.447.

[2]. The Gospel of Matthew  : Volume 2. 2000, c1975 (W. Barclay, lecturer in the University of Glasgow, Ed.). The Daily Study Bible, Rev. ed. Philadelphia: The Westminster Press, tr. 338 – 342.

[3]. Claude Tassin, Tin Mừng Mátthêu, chú giải mục vụ, tr.486-490.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org