Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 38

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 38: Cuộc phán xét chung (Mt 25,31-46)

I. Dẫn nhập

Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Phải tỉnh thức và sẵn sàng” (x. Mt 24,37–44). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Cuộc phán xét chung” (x. Mt 25,31-46). Bối cảnh của đoạn Tin Mừng này là hình ảnh Đức Giê-su ngồi trên ngai để phân biệt chiên với dê, tượng trưng cho sự phân biệt giữa người lành và kẻ dữ khi Đức Ki-tô trở lại lần thứ hai trong vinh quang. Để tìm hiểu kỹ hơn nội dung đề tài này, chúng ta cùng nhau lướt qua ba phần chính: thứ nhất là ý nghĩa của sự tách biệt giữa chiên và dê; thứ hai là tiêu chí của sự tách biệt này; và cuối cùng là hệ quả của sự phán xét. Giờ đây, chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung chi tiết.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 25,31-46)

1. Cuộc tách biệt giữa chiên với dê (x. Mt 25, 31-33)

Trong phần mở đầu bản văn, thánh sử Mát-thêu miêu tả một khung cảnh hùng tráng trong ngày của Thiên Chúa: “Con Người ngự lên ngai vinh hiển với các thiên thần theo sau hầu cận” (x. Mt 25,1). Nếu như hình ảnh chiếc “ngai” là biểu tượng của quyền lực mãnh liệt và vinh quang Thiên Chúa, thì hình ảnh các thiên thần là loài thiêng liêng quy phục diễn tả Con Người làm chủ Nước Trời. Chính trong bầu khí choáng ngợp hào quang, muôn dân thiên hạ tập hợp trước mặt Đức Vua để Người tách biệt họ như chiên với dê (x. Mt 25,32). Nếu “tách biệt” là làm nên một khoảng cách giữa hai đối tượng, thì Đức vua làm nên một cuộc phân loại giữa chiên đứng bên phải và dê đứng bên trái. Hình ảnh chiên và dê ẩn dụ cho hai thành phần khác nhau trong thế giới của con người. Nhắc đến chiên là gợi lại hình ảnh đàn vật được người mục tử chăm sóc, chở che: “Ta biết chúng và chúng theo ta” (x. Ga 10, 27). Do đó, chiên ám chỉ đến dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn, là những người tin tưởng, vâng phục và thi hành giáo huấn của Người. Trái lại, dê là hình ảnh tương phản với chiên, là những người không nghe theo và thi hành điều Chúa dạy. Thế nên, trong ngày cánh chung, chiên sẽ được phân loại đứng bên phải, là “bên của những người tin tưởng vào Thiên Chúa”[1] và dê sẽ được xếp bên trái, là nơi của những người không tin vào Người. Trong ngày Con Người ngự đến trong vinh quang, những người tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa sẽ được tách biệt ra khỏi những kẻ không tin tưởng vào Người, như tách biệt giữa chiên và dê.

2. Tiêu chí của sự tách biệt trong cuộc phán xét (x. Mt 25,34-45)

Cuộc đối thoại giữa Đức Vua với những người bên phải và bên trái vén mở sự ngỡ ngàng bởi họ có bao giờ thấy Chúa là người đói khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù đâu mà trợ giúp. Thật lạ lùng, Đức Giê-su đã đồng hóa Ngài với những người bé mọn đang gặp khó khăn và cần giúp đỡ: “khi làm việc đó cho người bé nhỏ nhất[2] của Ngài là làm cho chính Ngài” (x. Mt 25,37-40; 44). Quả thật, những ai tin vào Ngài thì sẽ thi hành giáo huấn yêu thương, phục vụ người khác, như chính Ngài đã yêu thương và phục vụ. Bởi vậy, đối với ai đứng ở bên phải, họ là những người tin tưởng vào Thiên Chúa không chỉ bằng đức tin trong lòng, nhưng diễn tả đức tin ra bên ngoài qua những việc làm cụ thể giúp đỡ những người gặp cảnh bất hạnh. Hay như lời của thánh Gia-cô-bê: “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (x. Gc 2, 17). Do đó, đức tin của những người đứng bên phải là đức tin sống động, là đức tin thật, đức tin thấm nhuần Lời dạy của Đức Giê-su. Ngược lại, những ai đứng bên trái là người không sống đức tin cách cụ thể bằng sự giúp đỡ những người bé mọn, đó là “đức tin chết”. Chính vì vậy, tiêu chuẩn cho cuộc phán xét chung không đơn thuần chỉ là đức tin được tuyên xưng trên môi miệng nhưng là một đức tin sống động, cụ thể bằng hành động đối với người đồng loại.

3. Hệ quả của cuộc phán xét chung (x. Mt 25,46).

Thánh sử Mát-thêu trình bày hệ quả của những người có đức tin “chết” sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp và những người có đức tin thể hiện bằng hành động cụ thể sẽ được lãnh nhận phần thưởng sự sống đời đời” (x. Mt 25, 46). “Nơi có cực hình muôn kiếp được giáo huấn của Giáo Hội gọi là hỏa ngục, nơi đó nơi vắng bóng Thiên Chúa Tình Yêu (GL GHCG số 1033-1037)”.[3] Trái lại, nơi có sự sống đời đời được gọi là Thiên Đàng, là tình trạng viên mãn, tràn đầy ánh vinh quang của tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Quả thật, lời dạy của Chúa Giê-su về hậu quả ngày cánh chung có mục đích nói đến trách nhiệm của những người không tin hay thái độ sống một đức tin “chết” trong cuộc sống hiện tại. Nhưng đồng thời, Người khơi lên động lực thi hành việc bác ái của những người sống đức tin trong đời sống thường ngày sẽ được lãnh nhận phần thưởng sự sống vĩnh cửu trong ngày sau hết. Chính vì vậy, hình phạt và phần thưởng trong cuộc phán xét chung từ giáo huấn của Chúa Giê-su đề cập đến trách nhiệm và thái độ sống của những người muốn đón nhận hay từ chối đức tin vào Người.

Dưới lăng kính của Tin Mừng Mát-thêu, cuộc phán xét chung sẽ xảy đến trong ngày cánh chung, là ngày Con Người ngự đến trong vinh quang. Trong ngày đó, Người sẽ làm một cuộc tách biệt giữa những người công chính ra khỏi những người không công chính, giữa những người thực thi lòng bác ái phát xuất từ đức tin đối với những người không tin vào Thiên Chúa hay những người có đức tin “chết”. Để từ đó, những người sống đức tin trong cuộc sống hiện tại sẽ được hưởng sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời. Đồng thời, những người không sống theo giáo huấn của Đức Giê-su sẽ phải chịu cảnh xa cách Ngài đời đời. Bởi vậy, cuộc phán xét chung của Thiên Chúa là lời mời gọi người tín hữu ý thức về tầm quan trọng của một đức tin hành động trong bác ái, yêu thương và trợ giúp người khác, vì chính Đức Giê-su đã đồng hóa Người là những kẻ bé mọn đang hiện diện xung quanh thế giới con người.

III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TUẦN TỚI

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Cuộc phán xét chung” với ba phần: một là “Cuộc tách biệt giữa chiên với dê” (x. Mt 25, 31-33); Hai là “Tiêu chuẩn của sự tách biệt trong cuộc phán xét” (x. Mt 25, 34-45); Ba là “Hệ quả của cuộc phán xét chung” (x. Mt 25, 46). Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề Bí tích Thánh Thể – Bí tích Tình yêu”. Mời cộng đoàn vui lòng đọc trước Mt 26, 17-29.


[1] X. Lm. Vinh Sơn Mai Văn Kính, Ngôi Lời Đã Trở Thành Đấng Bị Đâm Thâu – Truyền Thống Gio-an, Nxb. Đồng Nai, 2020, Tr. 285-286.

[2] Trong Tin Mừng Mát-thêu, “‘người bé nhỏ’ (x. Mt 11, 25; 18,6.10.14) ám chỉ đến chính các môn đệ của Người, tức là những người tin tưởng vào Người”. X. The Complete Biblical Library, Springlield, Missouri, U.S.A., 1988, Chuyển Ngữ Học Viện Đa-Minh, 2011, Tr. 332.

[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr. 322-324.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org