Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 37

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 37: Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (Mt 24,37-44)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Mt 23,1-32 với lời mời gọi “Đừng sống giả hình”.  Hôm nay, chúng ta bước vào bài giảng cuối cùng của Đức Giê-su, bài giảng về thời cánh chung  với lời mời gọi “Hãy tỉnh thức và sẵng sàng”. Lời mời gọi “Hãy tỉnh thức và sẵng sàng” là trọng tâm của bài giảng về thời cuối cùng, thời mà Con Người sẽ ngự đến.

Trong bản văn Mt 24,37-43, thánh sử Mát-thêu gợi nhớ câu chuyện của ông Nô-ê với trận lụt Hồng thủy (x. St 6,8) như một lời cảnh báo về “biến cố quang lâm của Con Người”. Điều này cho thấy, xưa cũng như nay, nhân loại thờ ơ, không đếm xỉa tới sự can thiệp của Chúa trong đời sống thường ngày. Thiên Chúa có thể can thiệp phán xét nhân loại vào ngày họ không ngờ, vào giờ họ không biết. Vậy, Chúa can thiệp vào lịch sử và đời sống nhân loại chúng ta như thế nào? Và chúng ta cần có thái độ nào trước sự can thiệp của Chúa? Giờ đây chúng ta đến với nội dung chi tiết.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 24,37-44)

II. NỘI DUNG

1. Cách thức Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử và đời sống nhân loại

– Thiên Chúa có thể can thiệp vào lịch sử và đời sống nhân loại bất kỳ thời gian nào mà con người không hay không biết. Quả thật, “ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36).

Cuộc quang lâm của Con Người cũng xảy ra thô bạo như thời của ông Nô-ê. Mọi tương giao thường nhật đều có thể bị cắt ngang. “Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người kia bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người kia bị bỏ lại” (Mt 24,40-41).

2. Thái độ của nhân loại trước biến cố quang lâm của Con Người

– Trước hết chúng ta cần “tỉnh thức”. Tỉnh thức và sẵn sàng là gì? Thưa là canh phòng, là chiến đấu chống lại sự tấn công của kẻ thù. Chúng ta cần tỉnh thức để dù sống trong đêm tối, chúng ta vẫn không thuộc về đêm tối. Tỉnh thức đồng thời là sự sẵn sàng đón tiếp Chúa, khi Ngày của Người đến.

– Lời khuyên nhủ “tỉnh thức và sẵn sàng” là lời dặn dò chính yếu mà Đức Giê-su nói với các môn đệ, khi Người kết thúc bài giảng về thời cánh chung và về việc Con Người ngự đến. “Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến … anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42.44). Để diễn tả rằng người ta không thể thấy trước việc Người trở lại, Đức Giê-su dùng nhiều so sánh và dụ ngôn khác nhau bắt nguồn từ cách dùng động từ “tỉnh thức”. Con Người sẽ đến bất chợt như kẻ trộm đến nhà ban đêm (x. Mt 24,43). Vậy, sự tỉnh thức là đặc tính của thái độ người môn đệ đang hy vọng và chờ đợi ngày Đức Giê-su trở lại.

– Tỉnh thức còn có nghĩa là giữ mình chống lại những cám dỗ hằng ngày. Đức Giê-su là một gương mẫu của sự tỉnh thức lúc chịu cám dỗ trong vườn Giết-sê-ma-ni. Chính người mời gọi các môn đệ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa trước cám dỗ.” (Mt 26,41). Quả thực, sự dữ luôn tìm cách thâm nhập vào cuộc sống và con người chúng ta nếu chúng ta không đề phòng, cảnh tỉnh. Tỉnh thức trong cầu nguyện không ngừng là phương thế hữu hiệu nhất giúp cho người môn đệ luôn sẵn sàng cho ngày Chúa quang lâm.

Tóm lại: Mặc dù không ai biết ngày giờ Chúa ngự đến, nhưng việc Chúa đến là điều chắc chắn. Việc tin vào Ngày của Chúa đòi chúng ta cần tỉnh thức. Tỉnh thức là đặc điểm của người tín hữu, vì chúng ta phải chống lại sự chối đạo trong những ngày sau cùng và phải luôn sẵn sàng đón tiếp Chúa Ki-tô, Đấng sẽ đến. Mặt khác, vì những cơn cám dỗ của cuộc sống hiện tại tham dự trước khổ cảnh ngày cánh chung, nên các Ki-tô hữu phải tỉnh thức ngày này qua ngày khác trong cuộc chiến đấu với thần dữ. Sự tỉnh thức đòi hỏi người môn đệ phải luôn cầu nguyện và sống tiết độ.

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Để kết thúc bài học hôm nay, xin gợi ý một vài câu hỏi giúp ta suy niệm và thực hành.

1. Tôi đang tỉnh thức hay đang ngủ mê trong cơn mê trần thế: tiền tài, danh vọng và lạc thú?

2. Tôi có thường xuyên cầu xin Chúa trợ giúp trong những cơn cám dỗ và thử thách không?

3. Tôi có sống tiết độ trong lời nói và hành động không?  

Để chuẩn bị cho bài học tuần tới về “Cuộc phán xét chung”, xin cộng đoàn đọc trước Mt 25,31-46.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org