Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – số 36

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 36: Đừng sống giả hình (Mt 23,1-32)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mt 22,34-40 với chủ đề: “Điều răn trọng nhất”. Qua đó chúng ta nhận ra rằng: Tất cả các điều luật đều được tóm lại trong điều răn mến Chúa và yêu người.

Tuần này, kính mời cộng đoàn cùng tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 23 từ câu 1 đến câu 32, với chủ đề: ĐỪNG SỐNG GIẢ HÌNH, qua đó chúng ta thấy thái độ nghiêm khắc của Chúa Giê-su trước sự giả hình của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu. Từ đó, Chúa cũng răn dạy chúng ta là những người môn đệ đích thực của Chúa hãy biết sống tránh xa thói giả hình ấy. Giờ đây, kính mời cộng đoàn theo dõi nội dung chi tiết.

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 23,1-32)

II. BỐ CỤC

Bản văn Mt 23,1-32 có thể được chia làm hai phần:

1. Thói giả hình và khoe khoang của những biệt phái và Pha-ri-sêu (Mt 23,1-12).

2. Bảy lời khiển trách (23,13-32).

III. CHÚ GIẢI

Trước khi đi vào phần nội dung, chúng ta cùng lược qua một vài điểm chú giải cần thiết như sau:

1. “Khốn cho các ngươi”: Ở đây Chúa Giê-su đưa ra một loạt bảy lời quở trách các Pha-ri-sêu và các kinh sư. Mỗi lời quở trách bắt đầu bằng câu: “Khốn cho các ngươi”. Từ Hy Lạp “Οὐαὶ – ouai” mà trong Kinh Thánh được dịch là “khốn” là một từ thật khó dịch vì nó bao hàm cả tức giận lẫn buồn rầu (Chữ “khốn khổ” trong tiếng Việt nói lên được phần nào ý buồn giận này). Đây là một sự nổi giận công chính của lòng yêu thương thêm nỗi đau đớn vì sự đui mù cứng cỏi của con người. Câu nói này không những chỉ có thái độ tố giác khốc liệt mà còn chứa đựng sự đau lòng.

2. “Đạo đức giả”: Chữ đạo đức giả được lặp đi lặp lại ở đây như một điệp  khúc. Nguyên ngữ Hy Lạp “ὑποκριταί – ypokritaí có nghĩa là người trả lời. Dần dần nó được dùng đặc biệt cho các câu nói, câu trả lời và câu đối thoại trên sân khâu. Đây là một chữ thông thường trong danh từ Hy Lạp để chỉ một diễn viên, về sau chữ này mang một ý nghĩa xấu hơn chỉ mặt xấu của diễn viên, hàm ý một người đóng kịch, một kẻ giả vờ, một người ngôn hành bất nhất, một người mang mặt nạ để che giấu những cảm xúc thật của mình, một người trình diễn bên ngoài khác với ý nghĩ, cảm xúc bên trong.

IV. NỘI DUNG

1. Phản ứng của Chúa Giê-su trước thói giả hình và khoe khoang của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu

Không có điều gì Chúa Giê-su nói chống lại các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ở những nơi khác trong Tin Mừng Mát-thêu nghiêm trọng bằng bảy lời khiển trách trong Mt 23,13-32. Loại hùng biện này xa lạ với hầu hết độc giả và thường ít được hiểu đầy đủ. Chúa Giê-su khiển trách thói giả hình của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu một cách nghiêm khắc: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Thật vậy, không phải vì Chúa không cảm thông và thương xót nhưng bởi vì Chúa muốn cho mọi người thấy tính chất nguy hiểm của bệnh giả hình đối với đời sống con người, để đừng ai rơi vào căn bệnh thường đi kèm với sự kiêu ngạo này.

Chúa Giê-su nhận xét rằng các kinh sư và các người Pha-ri-sêu “làm mọi việc để cho thiên hạ thấy”(c. 5a), qua đó Ngài cũng nhắc lại cho độc giả về những lời dạy dỗ của Ngài trước đó: đừng khoe khoang khi bố thí, khi cầu nguyện và khi ăn chay (x. Mt 6,1.5.16). Thêm vào đó, Chúa Giê-su chỉ trích tính tự cao tự đại của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu “họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’”(c.6-7). Các Rabbis đồng ý với quan điểm của Chúa Giê-su khi chỉ trích những người muốn khoe khoang kiến ​​thức của mình: “Không nên nói: ‘Tôi sẽ đọc Kinh Thánh để có thể gọi là hiền nhân; Tôi sẽ học, để tôi có thể được gọi là thầy…nhưng hãy học vì tình yêu, và vinh dự cuối cùng sẽ đến’”.

2. Người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su đừng sống giả hình

Những lời khiển trách của Chúa Giê-su đối với các kinh sư và các người Pha-ri-sêu cũng là những điều Chúa muốn nói với chúng ta là những môn đệ của Ngài: đừng sống giả hình, hãy biết kiểm điểm lương tâm một cách nghiêm túc để được ơn biến đổi mỗi ngày. Điều đáng báo động nhất về những người Pha-ri-sêu là họ hoàn toàn không nhận thức được tình trạng khốn khổ của mình (x. Mt 23,26). Nhiều khi người môn đệ của Chúa cũng có thể rơi vào tình trạng mù lòa tâm linh và ảo tưởng về mình. Chúng ta có thể cố gắng tránh những điều mà Chúa Giê-su rất không hài lòng nếu chúng ta biết tự vấn lương tâm mỗi ngày: Tôi có thực hành những gì tôi rao giảng không (c. 3)? Tôi có giúp người khác sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, hay tôi chỉ hướng dẫn cho họ biết những tiêu chuẩn đó là gì (c. 4)? Tôi có tương quan với mọi người theo cách chào đón họ trở lại đạo, hay qua hành động của mình, tôi ám chỉ rằng họ không được chào đón trong vương quốc của Thiên Chúa (c. 13)? Tôi có trốn tránh trách nhiệm bằng lý luận hợp pháp không (c. 16–22)? Trong đời sống tâm linh của mình, tôi có tìm cách rửa sạch bên trong chén, tấm lòng và thái độ bên trong của mình, hay tôi chủ yếu tập trung vào những vấn đề bên ngoài (c. 25-26)? Cuối cùng, để tránh được những thất bại của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu, chúng ta đừng chỉ cậy vào sức riêng của mình nhưng biết cần đến ân sủng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta qua lời cầu nguyện và thái độ sám hối mỗi ngày.

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Chúng ta vừa tìm hiểu đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 23 từ câu 1 đến câu 32, với chủ đề: ĐỪNG SỐNG GIẢ HÌNH, xin gợi ý vài điểm cụ thể giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

Thứ nhất: Lời Chúa lên án những người kinh sư và Pha-ri-sêu, vì sống kiêu ngạo, nâng mình lên trên những người khác. Chúng ta đừng khoe khoang, tự cao tự đại và ảo tưởng về chính mình. Trái lại, hãy luôn khiêm nhường hạ mình xuống, nhận ra sự yếu đuối, giới hạn, để được Chúa nâng lên. Vì Chúa nói: Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Thứ hai: Lời Chúa lên án những người kinh sư và Pha-ri-sêu, vì sống giả hình và gian dối. Họ giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Chúng ta được mời gọi hãy sống ngay thẳng và thật thà trước một thế giới đầy giả dối và lọc lừa hôm nay.

Thứ ba: Lời Chúa lên án những người kinh sư và Pha-ri-sêu, vì họ làm tất cả mọi sự để tôn vinh chính mình. Chúng ta được mời gọi làm mọi sự vì vinh danh của Thiên Chúa. Khi đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, hay làm các việc bác ái, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn chứ đừng làm vì vinh danh mình.

VI. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP THEO

Số tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề: Phải tỉnh thức và sẵn sàng.

Xin quý cộng đoàn vui lòng đọc trước Tin Mừng Mt 24, 37-44.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org