Bài học Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – Số 15

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM A

BÀI SỐ 15: ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC
(Mt 7,21-27)

 

I. DẪN NHẬP

Tuần trước, với chủ đề: Đối xử với người thân cận, chúng ta đã biết câu hỏi quan trọng nhất mỗi người phải hỏi không phải “ai là người thân cận của tôi” mà “tôi là người thân cận của ai”. Chủ đề tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Đặc tính của người môn đệ đích thực (x. Mt 7,21-27). Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những đặc điểm giúp phân biệt người môn đệ giả và người môn đệ thật, sau đó là dụ ngôn minh họa hai loại môn đệ này qua hình ảnh người xây nhà trên đá và trên cát để rút ra những bài học quí giá cho bước đường theo Chúa của mình. Và để bắt đầu, chúng ta cùng xem xét bố cục của bản văn

Video Bài học

Audio Lời Chúa (Mt 7,21-27)

1. Bố cục

Bản văn Mt 7,21-27 được chia thành hai phần như sau:

[1] Đặc tính của người môn đệ đích thực (Mt 7,21-23).

[2] Dụ ngôn làm nổi bật đặc tính của người môn đệ đích thực (Mt 7,24-27).

2. Chú giải

Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta sẽ dừng lại ở một vài điểm chú giải trong bản văn:

[a]. “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”

Trong Tin mừng Mát-thêu, đây là lần đầu tiên tước hiệu “Đức Chúa” được áp dụng cho Đức Giê-su. Và chỉ những ai sắp hoặc đã trở thành môn đệ của Đức Giê-su mới gọi Ngài bằng tước hiệu này. Cho nên, khi nói “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’” (Mt 7,21), Đức Giê-su nhắm tới các môn đệ. Trong Tin mừng theo Mát-thêu, người môn đệ không chỉ là các Tông đồ nhưng bao gồm cả các Ki-tô hữu, những người đặt niềm tin vào Đức Ki-tô (x. Mt 28,19).

[b]. “Trong ngày ấy”

Trạng từ thời gian này ám chỉ đến “ngày của Đức Chúa”, ngày phán xét chung (x. Mt 10,15; 12,36; 24,19.36; 25,31-46).

[c]. “Điều gian ác”

Cụm từ này gốc tiếng Hy-lạp là anomia (ἀνομία – Mt 7,23 BGT), có nghĩa là “Kẻ không có luật, kẻ nổi loạn”. Từ này còn được dùng trong Tin mừng Mt 13,41; 23,28 và 24,12 – để chỉ những kẻ làm gương mù gương xấu, các biệt phái và kinh sư, những ngôn sứ giả hình. Như thế, người làm “điều gian ác” là những kẻ giả hình, không tuân giữ Luật Thiên Chúa, nổi loạn chống lại Người, đến gây gương mù gương xấu. Chúng sẽ bị “tống ra khỏi Nước Trời, và bị quăng vào lửa đời đời” (x. Mt 13,41).

II. NỘI DUNG

Bản văn chúng ta đang tìm hiểu thuộc phần kết thúc của Bài Giảng Trên Núi, có liên hệ mật thiết với đoạn văn Mt 7,13-20 liền trước đó. Trong đoạn văn này, Đức Giê-su đã cảnh báo về những ngôn sứ giả (x. Mt 7,15), bề ngoài trông như những “con chiên hiền lành” nhưng bên trong lại là “sói dữ”, chuyên tìm bách hại, cắn xé đoàn chiên của Chúa. Chúng được ví như những cây sinh quả xấu và phải bị chặt bỏ (x. Mt 7,18-19). Sang đến bản văn hiện tại, Đức Giê-su tiếp tục cảnh báo các ngôn sứ giả là những môn đệ trá hình, đồng thời nêu bật hình ảnh người môn đệ đích thực được Đức Giê-su minh hoạ hết sức rõ ràng bằng một dụ ngôn rất cụ thể.

[1]. Đặc tính của người môn đệ đích thực (Mt 7,21-23)

a, Đặc điểm của người môn đệ giả

Trước tiên, Đức Giê-su bóc trần bộ mặt thật của những môn đệ giả. Đó là những kẻ bề ngoài chẳng khác gì những môn đệ thật, tự nhận mình rất thân thiết với Đức Giê-su khi tuyên xưng Ngài là Chúa (x. Mt 7,21), thậm chí còn nhân Danh Ngài mà làm phép lạ, nói tiên tri hay trừ quỷ (x. Mt 7,22). Tuy nhiên, bên trong, đằng sau lớp mặt nạ ấy, họ lại chối bỏ Ngài bằng ý nghĩ, lời nói và hành động để làm “điều gian ác”, lừa gạt người khác, tùng phục ma quỷ (x. Mt 7,23; Mc 13,22; 2Tx 2,9). Hạng môn đệ này được Đức Giê-su chỉ rõ là chỉ biết nói mà không làmtức không tuân theo luật Thiên Chúa, không thực thi ý muốn của Người. Họ sẽ bị Đức Giê-su, vị Thẩm Phán tối cao tuyên bố loại bỏ và đuổi đi, không cho vào vương quốc của Thiên Chúa (x. Mt 7,23; 25,41).

b, Đặc tính của người môn đệ đích thực

Khi bóc trần bộ mặt thật của các môn đệ giả, Đức Giê-su cũng cho thấy khuôn mặt của người môn đệ đích thực. Họ là những người không chỉ tuyên xưng, rao giảng trên môi miệng hay bám víu vào các đặc sủng được ban để biện minh, nhưng quan trọng hơn, họ “thi hành ý muốn của Chúa Cha” (Mt 7,21). Mà ý muốn của Chúa Cha là mọi người được cứu độ (x. Mt 18,14). Và ai thi hành ý muốn ấy thì được Đức Giê-su xem là người thân trong gia đình của Ngài (x. Mt 12,50). Tin mừng Lu-ca cho biết thêm: người thân trong gia đình của Đức Giê-su là những người “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (x. Lc 8,21). Như thế, “Thi hành ý muốn của Chúa Cha” là lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa, để thuộc về gia đình của Người, tức là được cứu độ. Do đó, lắng nghe và thực hành lời Thiên Chúa chính là đặc tính của người môn đệ đích thực. Và để nêu bật đặc tính ấy, Đức Giê-su đã minh họa bằng một dụ ngôn cụ thể.

[2].  Dụ ngôn minh họa: đặc tính người môn đệ đích thực (Mt 7,24-27)

a, Người khôn và kẻ ngu

Dụ ngôn nêu bật hai hình ảnh “người khôn” và “kẻ ngu”. Người môn đệ đích thực giống như “người thợ khôn ngoan” đã xây nền móng đời mình trên “đá tảng” vững chắc bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Đức Giê-su nên không lo sợ những gian nan, thử thách như “mưa sa bão táp” ập đến bất ngờ (x. Mt 7,24-25). Còn người môn đệ giả thì giống như “người thợ ngu dại” xây cuộc đời mình trên nền cát tạm bợ khi chỉ lắng nghe mà không thực hành Lời Đức Giê-su, nên lúc khó khăn, thử thách xảy đến như “mưa sa bão táp” ập vào, họ sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành (x. Mt 7,26-27).

Như vậy, người môn đệ thật và người môn đệ giả giống nhau là đều lắng nghe Lời Đức Giê-su, nhưng khác nhau ở việc có thực hành Lời ấy hay không. Điều đó thật hợp với bối cảnh bản văn Mt 7,21-27 thuộc phần cuối của Bài Giảng Trên Núi, khi các môn đệ và đám đông (x. Mt 5,1-2) đã nghe Đức Giê-su dạy về Tám Mối Phúc Thật và nhiều điều trước đó, nên điều quan trọng bây giờ là hành động. Chính vì thế, khi kể dụ ngôn, Đức Giê-su nhấn rất mạnh đến việc thực hành Lời Ngài đã dạy và đó chính là điểm nhấn của dụ ngôn này.

b, Mối tương quan giữa lắng nghe và thực hành

Từ dụ ngôn cho thấy, lắng nghe và thực hành Lời Đức Giê-su là hai yếu tố không thể tách rời. Lắng nghe là điều kiện tiên quyết để thực hành. Nhờ lắng nghe, người môn đệ mới biết phải làm gì và phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng chỉ lắng nghe thôi thì chưa đủ, điều quan trọng và cần hơn cả là thực hành, nghĩa là áp dụng điều đã nghe vào đời sống thực tiễn. Người môn đệ thật, nhờ biết lắng nghe lẫn thực hành nên sẽ đứng vững cho đến ngày Đức Giê-su, Vị Thẩm Phán đến phân xử trong ngày phán xét sau cùng (x. Mt 25,31-46). Còn người môn đệ giả, vì chỉ lắng nghe mà thiếu thực hành nên không thế đứng vững cho đến ngày ấy, và phải chịu án phạt đời đời như cây sinh quả xấu bị chặt đi rồi quăng vào lửa (x. Mt 7,19; 25,46). 

Tóm lại, qua dụ ngôn, đặc tính của người môn đệ thật là “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” đã được nhấn mạnh bằng việc “lắng nghe và thực hành lời Đức Giê-su dạy”. Quả thật, Đức Giê-su chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Thiên Chúa làm người, ở giữa con người, sống cùng, sống với con người để cứu độ họ (x. Mt 1,23). Thế nên, ai nghe và thực hành Lời Đức Giê-su chính là lắng nghe và tuân hành thánh ý Thiên Chúa. Và chỉ khi biết lắng nghe, nhất là thực hành Lời Đức Giê-su trong đời sống của mình, người môn đệ mới được vào Nước Trời, để hưởng ơn cứu độ đời đời (x. Mt 7,21).

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su sánh ví việc sống đạo của chúng ta giống với việc xây nhà. Có người xây trên nền cát mong manh, sụt lún khi mưa tuôn, nước cuốn, có người xây trên nền đá vững vàng, bất chấp gió mưa.

2. Nền đá vững vàng mà Chúa muốn mỗi người chúng ta xây căn nhà cuộc đời của mình trên đó chính là việc trung kiên thực hành Lời Chúa.  

3.  Chúa không hứa là sẽ gìn giữ ngôi nhà xây trên nền đá ấy khỏi mưa tuôn, nước cuốn nhưng hứa là sẽ gìn giữ nó đứng vững trước nước cuốn, mưa tuôn. Vì thế, trên bước đường theo Chúa, nếu gặp khó khăn gian khổ, chúng ta hãy kiên vững và tin tưởng vì chắc chắn Chúa sẽ giúp ta đứng vững nếu biết thực thi Lời Ngài.

IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu chủ đề:ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC. Trong tuần tới, xin mời cộng đoàn tiếp tục đến với chủ đề: TIN VÀO QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU.

Xin vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 8,23-34.

SÁCH THAM KHẢO

[1]. Harrington Daniel J. S.J., The Gospel of Matthew, (Sacra Pagina 1), Minnesota: The Liturgical press, 1991.

[2]. France, R. T. The Gospel of Matthew. The New International Commentary on the New Testament. Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Publication Co, 2007.

[3]. Swanson, J. Dictionary of Biblical Languages with Semantic Domains  : Greek (New Testament) (electronic ed.). Oak Harbor: Logos Research Systems, Inc., 1997.

[4]. Morris, L. The Gospel according to Matthew. Grand Rapids, Mich.;  Leicester, England: W.B. Eerdmans;  Inter-Varsity Press, 1992.

[5]. Nolland, J. The Gospel of Matthew : A commentary on the Greek text. Grand Rapids, Mich.;  Carlisle: W.B. Eerdmans;  Paternoster Press., 2005.

[6]. Lm. Fx Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong phụng vụ, nxb. Đồng Nai, 2021.

[7]. Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM. TIN MỪNG THEO THÁNH MÁTTHÊU, Học viện Phaxicô 2018, Lưu hành nội bộ.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org