Bài học Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu – Số 11

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Chủ đề: TUÂN HÀNH LỀ LUẬT THEO TINH THẦN CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Mt 5,17-19)

I. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề “ĂN CHAY”, qua đó chúng ta biết được bản chất của việc ăn chay, lý do chúng ta phải ăn chay và cách thức ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa. Tuần này, qua bản văn Kinh Thánh Mt 5,17-19, chúng ta sẽ cùng học hỏi việc “Tuân hành lề luật theo tinh thần của Đức Giê-su”, nhờ đó,thấy được thái độ của Đức Giê-su đối với Lề Luật.

II. BỐ CỤC BẢN VĂN                      

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu bố cục bản văn. Đoạn Tin Mừng Mt 5,17-19 có thể được chia thành 3 phần.

– Phần I. Tương quan giữa Đức Giê-su với Lề Luật ( c.17)

– Phần II. Giá trị trường tồn của Lề Luật (c.18)

– Phần III. Tuân hành Lề Luật theo tinh thần của Đức Giê-su (c.19)

Trước khi đi vào nội dung chi tiết, chúng ta cùng lược qua vài điểm chú giải sau.

 

VIDEO BÀI HỌC

NGHE MP3 LỜI CHÚA

III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Luật: tiếng Do Thái gọi là “Tô-ra”, chỉ năm cuốn sách đầu tiên hay còn gọi là Ngũ Thư của bộ Kinh Thánh bao gồm sách Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân số Và Đệ Nhị luật.

2. Luật Mô-sê và lời các ngôn sứĐây là cách người Do thái gọi bộ Kinh Thánh của họ, đồng thời cũng là kiểu gọi truyền thống của các Ki-tô hữu để phân biệt giữa “Luật cũ” (Ep 2,15; Dt 1,7,18) được Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en qua trung gian ông Mô-sê cũng như các bộ luật trong cựu ước có liên hệ với ông, và luật mới “Luật của Đức Ki-tô” (Gl 6,2) hay “Luật Thần Khí” (Rm 8,2) do chính Đức Ki-tô mang lại. Qua đó, thánh Mát-thêu cho thấy Đức Giê-su chính là Mô-sê mới.

3. Kiện toàn: Được hiểu theo hai nghĩa: khi nói về một lời nói hay một lời loan báo, nó có nghĩa là “hiện tại hóa” hay làm cho “ứng nghiệm”. Còn khi nói về một lệnh truyền thì nó có nghĩa là “thi hành”. Do đó, việc Đức Giê-su kiện toàn không có nghĩa là Ngài hủy bỏ hoặc thay đổi Lề Luật, nhưng muốn làm cho nó được hoàn hảo hơn.

4. Một chấm một phết: Một chấm, ám chỉ mẫu tự nhỏ nhất trong tiếng Do Thái. Cái “phết” hay còn gọi là (ngoặc, móc, sổ) là một nét bút nhỏ, hoặc giúp phân biệt các mẫu tự với nhau, hoặc để trang trí cho mẫu tự ấy. Nếu bỏ đi các mẫu tự và các nét bút này, người đọc có thể hiểu sai luật. Qua đó Đức Giê-su muốn nhấn mạnh rằng từng chi tiết nhỏ trong luật Mô-sê sẽ vẫn giữ nguyên hiệu lực của nó.

Giờ đây chúng ta cùng đến với phần nội dung chi tiết.

IV. NỘI DUNG

1. Tương quan giữa Đức Giê-su với Lề Luật (c.17)

Sau khi phác họa cho các môn đệ và dân chúng thấy dung mạo con cái Nước Trời (Mt 5,3-16), Đức Giê-su sợ người ta ngộ nhận những lời Ngài loan báo sau đó là để bãi bỏ Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ. Bởi vậy, Đức Giê-su mới khẳng định ngay rằng Ngài đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn. Vậy Đức Giê-su kiện toàn Lề Luật bằng cách nào? Ngài kiện toàn bằng việc hoàn tất các lời loan báo, Ngài chính là Đấng phải đến (Gr 31,31-34; Ed 11,19.20; Lc 22,44; Ga 1,45). Chúa Giê-su cũng kiện toàn bằng việc trình bày một cái nhìn đúng đắn hơn về tinh thần được tiềm ẩn dưới các giới lệnh chính thức của Lề Luật (Mt 5, 32.34.39.44), hầu chuẩn bị cho sự nảy nở của Tin Mừng như lời thánh Augustinô “Cái mới tiềm ẩn trong cái cũ, còn cái cũ xuất hiện trong cái mới”. Đặc biệt hơn nữa, Đức Giê-su kiện toàn Lề Luật nhờ chính cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Nói cách khác, nhờ cuộc vượt qua của Đức Giê-su Ki-tô mà Lề Luật đạt tới mức trọn vẹn. Do đó, Chúa Giê-su tiếp tục mời gọi các môn đệ vừa vâng phục Lề Luật vừa vượt qua Lề Luật để tiếp cận Nước Trời.

2. Giá trị trường tồn của Lề Luật (C.18)

Đức Giê-su khẳng định uy quyền tuyệt đối và trường tồn của Lề Luật cho dù trời đất này qua đi thì một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không thể qua đi cho tới khi mọi sự được hoàn tất” (Mt 5,18). Lề Luật trường tồn vì phát xuất từ chính Thiên Chúa. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã ban cho dân mười điều răn để duy trì mối dây Giao ước giữa Thiên Chúa và con người (Xh 19, 5-6), Lề Luật còn là nguồn sống của dân Chúa (Đnl 32,46-47), mang lại cho con người sự khôn ngoan tuyệt vời và cho họ hiệp thông với ý muốn của Thiên Chúa (Đnl 4,5-8; Tv 19,8).

Trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, Đức Giê-su không bao giờ chỉ trích Lề Luật. Trái lại, người còn tuân giữ hầu hết những lệnh truyền và tập tục do Luật quy định (Mt 3,15; 17,24-27; 23,23). Hơn thế, vì Đức Giê-su là nhà lập pháp đích thực mà Thiên Chúa đã ban cho loài người mọi thời, nên Ngài đem đến một cách thực hành mới như ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí ((Mt 6, 2.5.17), gạn lọc khỏi các yếu tố lỗi thời và trả lại cho Lề Luật về đúng vị trí ban đầu là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, các môn đệ được mời gọi tin vào Đức Giê-su, bước theo Đức Giê-su và làm chứng cho những điều Ngài phán dạy, nhờ đó, mọi người đón nhận được ơn cứu độ.

3. Tuân hành Lề Luật theo tinh thần của Đức Giê-su

Đối với dân Ít-ra-en, không có bộ luật nào khác ngoài bộ luật Thiên Chúa đã ban qua Mô-sê –  nghĩa là Luật Tô-ra – mà tâm điểm chính là mười điều răn. Tuy nhiên vào thời Chúa Giê-su, đã có những cách hiểu và thực hành khác nhau xoay quanh bộ luật này. Cách hiểu phổ biến nhất là coi trọng luật truyền khẩu và luật của các Kinh sư. Chính điều ấy đã khiến Lề Luật bị phân tán, không còn phân biệt được điều chính và điều phụ nữa. Có tất cả 613 điều luật thì 365 điều là luật cấm! Do đó, Lề Luật xuất hiện dưới các mớ “danh từ” tỉ mỉ, thay vì mang lại cho con người tự do, thì lại khoác lên vai con người một ách nặng nề (Mt 23,4).

Khi Đức Giê-su đến, Ngài sắp đặt lại thứ tự của những quy luật khác nhau, và làm cho Lề Luật được thống nhất. Ngài nhắm điều quan trọng trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa (Mt 6,33), coi trọng công chính, nhân nghĩa và lòng tin (Mt 5,20; 9,13). Ngài cũng mang lại một nếp sống gương mẫu và một sức mạnh nội tâm để tuân giữ Luật: đó là sức mạnh của Thánh Thần (Cv 1,8). Điều Đức Giê-su nhấn mạnh sau cùng là: bất cứ ai cũng vậy, chỉ khi dạy và thi hành những điều răn dù là nhỏ nhất mới được vào Vương quốc của Thiên Chúa (Mt 5,19).

Tóm lại: Đức Giê-su đến không phải để bãi bỏ nhưng để kiện toàn Lề Luật. Bằng việc làm cho Lề Luật được nên trọn hảo, Đức Giê-su cho thấy Ngài là nhà lập pháp đích thực của Thiên Chúa – là Mô-sê mới – là  Đấng đã “tinh thần hóa” Lề Luật để biến Lề Luật thành con đường sống cho mọi người. Chỉ khi nhận ra Đức Giê-su, tin vào Đức Giê-su và thi hành những điều Ngài dạy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhân loại mới tìm được nguồn sống đích thực.

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu chủ đề: TUÂN HÀNH LỀ LUẬT THEO TINH THẦN CỦA ĐỨC GIÊ-SU chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

1. Đức Giê-su không phải là một người phá đổ mà là một người xây dựng: Ngài đến tiếp tục một công trình đã được khởi sự, Ngài tiếp tục công việc của các ngôn sứ và làm cho luật Mô-sê nên hoàn hảo hơn. Tân ước vừa là một “điều mới mẻ” triệt để, vừa trung thành trọn vẹn nhất với điều cốt yếu của Cựu ước.

2. Không có gì là bé nhỏ trước Thiên Chúa. Không có những “bổn phận nhỏ bé” trong những việc mà lời Chúa yêu cầu ta thực hiện. Vì thế, ta hãy “Coi những việc nhỏ bé như là lớn lao, vì Đức Giê-su đã thi hành những việc đó trong chúng ta” (Pascal) .

3. Đức Giê-su mời gọi chúng ta làm những việc tầm thường mọi ngày và nâng cao giá trị cái tầm thường hằng ngày đó. Ta hãy bắt chước thánh Tê-rê-sa “Không để lỡ bất cứ một hi sinh nhỏ bé nào và thực hiện chúng với trọn cả tình yêu của mình” (Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su)

VI. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Kính thưa cộng đoàn, chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề “ Tuân hành lề luật theo tinh thần của Đức Giê-Su”. Ở số tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Đức công chính của người môn đệ”. Xin quý cộng đoàn đọc trước Tin Mừng Mt 5, 20-48.

Tài liệu tham khảo!

1. Davies, W. D., & Allison, D. C. (2004). A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (481). London;  New York: T&T Clark International, 2004.

2. Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Nxb Hoàng Mai 2016, tr 818-832.

3. ĐGH Biển Đức XVI, Đức Giê-su Thành Nazareth: Từ Phép Rửa Nơi Sông Giorđan Đến Lúc Hiển Dung, dịch giả Lm Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Nxb Tôn Giáo 2011.

4. Lm Vinh Sơn Mai Văn Kính, Đến Gặp Đức Giê-su Nơi Các Tin Mừng Nhất Lãm, Nxb Đồng Nai 2020.

5.Lm Fx Vũ Phan Long OFM, Các Bài Tin Mừng Matthêu Dùng Trong Phụng Vụ, Nxb Đồng Nai 2021.

6. Châm Ngôn (Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và đại lễ), Học Viện Đa Minh, 2011.

7. Lm Giuse Ngô Ngọc Khanh, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Lưu hành nội bộ.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org