Bài 11: Sách Lê-vi – Phần 2 || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chức tư tế Lê-vi. Gắn liền với chức tư tế là việc tiến dâng các hy tế và cử hành các nghi lễ phụng tự. Việc tiến dâng các hy tế và cử hành các ngày lễ được nhấn mạnh và được xem là trọng tâm của Cựu ước, vì nó là một trong những phương cách không thể thiếu, qua đó, dân Ít-ra-en giữ gìn mối tương quan với Thiên Chúa như một dân giao ước. Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu các loại hy tế và những ngày lễ đặc biệt quan trọng của người Do-thái.

II. NỘI DUNG

1. Các loại hy tế?

a. Hy tế là gì?

Thuật ngữ “hy tế” có nghĩa là mang đến gần. Khi một người dâng lễ tiến lên Chúa, người đó tiến lại gần Chúa để tôn thờ Người, và đồng thời thú tội với ước muốn được tha thứ. Các hy tế được đốt cháy nghi ngút trên bàn thờ như hương dầu thơm làm nguôi lòng Chúa.   

b. Có mấy loại hy tế được quy định cụ thể trong sách Lê-vi?

Có 5 hình thức hy tế khác nhau được chính Thiên Chúa, qua Mô-sê phác họa trong sách Lê-vi:

 Thứ nhất là Hy tế toàn thiêu: lễ vật có thể là một con chiên con hoặc một con dê, được sát tế bên cạnh bàn thờ. Tư tế lấy máu rẩy quanh bàn thờ, còn thịt và mỡ được đốt cháy nghi ngút trên bàn thờ để tiến dâng Đức Chúa (xem. Lv 1).

– Thứ hai là Lễ phẩm: lễ vật là tinh bột trộn với dầu và nhũ hương được đốt cháy nghi ngút trên bàn thờ làm kỷ vật dành cho Đức Chúa. Một nửa lễ phẩm được dâng cho Đức Chúa và một nửa thì được giữ cho tư tế (xem Lv 2).

– Thứ ba là Hy tế kỳ an: lễ vật có thể là con bò, con chiên hay con dê toàn vẹn. Người tiến dâng lễ vật đặt tay trên đầu con vật và sát tế nó ở cửa Lều Hội Ngộ. Máu được các tư tế rẩy xung quanh bàn thờ và tất cả những phần mỡ của lễ vật phải được thiêu đốt nghi ngút trên bàn thờ (xem Lv 3).

 Thứ tư là Hy tế tạ tội: được áp dụng cho một người vô ý phạm tội. Người phạm tội này đặt tay trên đầu con vật và sát tế nó bên cạnh bàn thờ. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu lễ vật tạ tội và bôi lên các góc cong của bàn thờ, rồi đổ máu còn lại xuống chân bàn thờ. Còn tất cả mỡ, tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, như mỡ của hy lễ kỳ an. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy khỏi tội của mình, và người ấy sẽ được tha. (xem Lv 4).

 Thư năm là Hy tế đền tội: được áp dụng cho người phạm đến những vật thánh do vô ý hay thiếu hiểu biết, hay lấy của người khác cách bất công thì buộc phải đền lại trong cùng ngày người phạm tội dâng lễ đền tội. Lễ vật đền tội là một con chiên đực toàn vẹn được nộp cho tư tế làm lễ vật đền tội. Tư tế cử hành lễ xá tội cho kẻ mắc tội trước nhan Đức Chúa và người ấy sẽ được tha (xem Lv 4).

 Những ngày lễ quan trọng của người Do-thái là những ngày lễ nào?

 Ngày Sa-bát: Ngày Sa-bát là ngày thánh dành riêng cho Đức Chúa. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy và chúc phúc cho ngày đó và coi đó là ngày thánh. Trong ngày Sa-bát, người ta không được làm công việc nào.

– Lễ Vượt Qua

Đối với người Do-thái, Lễ Vượt Qua đánh dấu việc Thiên Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi ác nô lệ Ai-cập trong đêm lịch sử khi mà sự phán xét của Thiên Chúa viếng thăm mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập. Thiên Chúa đã đi qua những nơi cư trú của người Do-thái được đánh dấu bằng máu chiên. Lễ này được cử hành vào ngày 14-15 tháng Nisan (tháng thứ nhất trong năm theo lịch Do-thái) tương ứng với tháng ba hoặc tháng 4 của chúng ta. Đối với các Ki-tô hữu, Lễ Vượt Qua của người Do-thái được thay thế bằng Lễ Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô. Đức Ki-tô là Chiên Vượt Qua được hiến tế để xoá bỏ tội lỗi trần gian. Người đã chết để huỷ diệt sự chết nơi chúng ta và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta.

– Lễ Bánh Không Men: Ngày sau Lễ Vượt Qua là Lễ Bánh Không Men. Lễ Bánh Không Men là một lễ hội nông nghiệp và được cử hành trong suốt 7 ngày từ ngày 15 – 21 tháng Nisan. Con cái Ít-ra-en bị cấm một cách nghiêm ngặt việc ăn bánh có men trong suốt dịp lễ. Bánh không men tượng trưng cho sự tinh tuyền không tỳ ố, không vết nhơ.

 Lễ Ngũ Tuần: Lễ Ngũ Tuần, còn được gọi là Lễ Mùa Gặt, là lễ hội gặt lúa, được mừng trong 7 tuần kể từ lễ Bánh Không Men. Trong niềm vui, con cái Ít-ra-en tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho họ Lề Luật. Họ dâng lên Chúa những hoa quả đầu mùa cùng với máu của các sinh vật được hiến tế. Đối với các Ki-tô hữu, Lễ Ngũ Tuần là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

 Lễ Đầu Năm: Lễ Đầu Năm còn được gọi là Lễ Kèn, là một ngày Ít-ra-en quy tụ để thờ phượng Chúa giữa tiếng kèn và tiếng tù và (Lv 23,23-25).

 Lễ Xá Tội (Lv 23,26-32): Đây là một ngày trọng đại nhất được cử hành vào ngày 10 tháng Tishri, tháng thứ bảy của năm, tương ứng với tháng chín/mười của chúng ta. Dân Do-thái phải họp nhau để thờ phượng Thiên Chúa, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng lễ toàn thiêu lên Đức Chúa. Chính trong ngày đại lễ này, vị thượng tế vào “Cung Cực Thánh” cùng với máu con vật và rẩy máu trước Hòm Bia Giao Ước. Vị thượng tế dâng lễ toàn thiêu đền tội cho mình, cho gia đình và cho cả dân chúng (x Lv 16). Trong ngày này, hai con vật được dùng làm lễ vật. Họ sát tế con cừu ở trong Lều Hội Ngộ để dùng làm lễ tạ tội cho dân. Còn con dê thì họ đặt tay lên đầu, xưng thú trên con vật mọi lỗi lầm của con cái Ít-ra-en, mọi việc phản nghịch của chúng, nghĩa là mọi tội lỗi chúng; họ trút cả lên đầu con dê, rồi thả vào sa mạc. Con dê mang trên mình mọi tội lỗi của dân vào hoang địa.

 Lễ Lều: Lễ này còn được gọi là lễ Nhà Tạm được cử hành trong 7 ngày. Mọi người trong gia đình phải tụ họp nhau để thờ phượng Thiên Chúa và không ai được làm một công việc nặng nhọc nào (Lv 23,35). Trong suốt lễ hội này, dân sống trong lều được làm bằng cành và lá cây để tưởng nhớ lại thời gian Ít-ra-en sống trong sa mạc.

– Năm Toàn Xá: Ngoài các ngày Sa-bát, năm Sa-bát và các ngày lễ trọng, người Do-thái còn cử hành Năm toàn xá. Cứ sau 49 năm, thì có một năm toàn xá. Năm toàn xá được kể là Năm thánh và lệnh ân xá được công bố cho toàn xứ.

III. KẾT

Sau khi tìm hiểu tổng quan sách Lê-vi, chúng ta có thể rút ra 4 bài học căn bản.

1. Trước hết, sách Lê-vi cho chúng ta chiêm ngắm hình ảnh của một Thiên Chúa thánh thiện. Thiên Chúa là Đấng Thánh, là Đấng đáng tôn thờ.

2. Thứ đến, sách Lê-vi cho chúng ta thấy tình trạng tội lỗi của con người. Con người tội lỗi cần được thanh tẩy để có thể tiến dâng hy tế làm đẹp lòng Chúa.

3. Hơn thế nữa, sách Lê-vi giúp chúng ta nhận ra Đức Ki-tô là Đấng kiện toàn Giao ước tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người được sai đến để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù sáng mắt, giải phóng những ai bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa (x. Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2), và hiến tế chính mình làm Chiên Vượt Qua để chuộc tội chúng ta.

4. Sau cùng là lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả các tín hữu như lời Chúa phán: “Các ngươi thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26). Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta sống thánh thiện: “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org