Bài 04: “Amen” nghĩa là gì?

Trong phụng vụ nói chung, và trong Thánh lễ nói riêng, nhiều lần chúng ta sử dụng từ “Amen”.

“Amen” nghĩa là gì?

Trong tiếng Do Thái, “Amen” là một tính từ của động từ “Aman”, có nghĩa là: bền vững, chắc chắn, trung tín.

1. Cựu ước gọi Thiên Chúa là “Amen”

Trước khi trở thành lời tung hô và lời đáp trong phụng vụ, dân Israel trong thời Cựu ước đã gọi Thiên Chúa là “Amen”, theo nghĩa “Ngài là Đấng chân thật”. Chẳng hạn Is 65,16: “Trong xứ, ai cầu phúc cho mình sẽ nhân danh Thiên Chúa chân thật mà cầu phúc; trong xứ, ai thề sẽ nhân danh Thiên Chúa chân thật mà thề. Vì những nỗi gian truân thời trước sẽ chìm vào quên lãng và không còn xuất hiện trước mắt Ta”.

2. Tân ước gọi Đức Ki-tô là “Amen của Thiên Chúa”

Tân Ước gọi Đức Ki-tô là “Amen của Thiên Chúa” (x. 2Cr 1, 20; Kh 3,14), theo nghĩa “Đức Ki-tô là chứng tá sự trung tín của Thiên Chúa”. Chẳng hạn 2Cr 1, 20: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa”; hoặc Kh 3,14: “Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Lao-đi-ki-a: Ðây là lời của Ðấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng”.

3. “Amen” là lời đáp trong phụng vụ

“Amen” còn là lời đáp của dân chúng khi tham dự phụng vụ (Ds 27,15-26; Nk 8,6).

“Amen” xuất hiện trong 4 câu cuối cùng của Thánh vịnh: 40, 71, 88, 105, là lời đáp trong phụng vụ. Chẳng hạn Thánh vịnh 105, 48: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel từ muôn thuở cho đến muôn đời. Toàn dân hãy hô lớn: Amen! Amen!”. Từ lời đáp của các Thánh vịnh, “Amen” chuyển thành lời đáp của các cử hành phụng tự tại đền thờ Giêrusalem và các hội đường. Tại các nơi đó, “Amen” trở thành lời đáp quan trọng của phụng vụ, diễn tả sự vâng phục, chấp nhận các điều họ vừa nghe hay vừa đọc. “Amen” sau Vinh tụng ca như Gr 28,6: “Ngôn sứ Giêrêmia nói: A-men! Ước gì Ðức Chúa làm như thế”!   

Trong Tân ước, “Amen” cũng là lời đáp trong phụng vụ của các Ki-tô hữu tiên khởi. Chẳng hạn 1Cr 14,16: “Nếu bạn chỉ chúc tụng với tấm lòng thôi, thì làm sao hạng người ngoài cuộc có thể thưa “Amen” lúc bạn dâng lời tạ ơn, vì người đó không biết bạn nói gì?”; hoặc Kh 7,11-12: “Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mình xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô  rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen!” (x. Kh 5,14; 19,4).

4. “Amen” được dùng để kết thúc một nguyện

“Amen” xuất hiện khá nhiều với chức năng kết thúc các Vinh tụng ca và các Lời chúc lành, tương ứng với các hình thái phụng tự của Do Thái giáo. Chẳng hạn Rm 1,25: “Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Ðấng Tạo Hóa. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen” (x. 9,5; 11,36; 16,27; Gl 1,5; Ef 3,21; Pl 4,20; 1Tm 1,17; 6,16; 2Tm 4,18; Dt 13,21; 1Pr 4,11; 5,11; Gđ 25; Kh 1,6)

Hoặc “Amen” xuất hiện như là lời kết cho bất cứ lời cầu nguyện hay cầu chúc nào, chẳng hạn Rm 15,32-33: “Như thế, tôi sẽ vui mừng đến với anh em và được nghỉ ngơi giữa anh em, nếu Thiên Chúa muốn. Xin Thiên Chúa là nguồn bình an, ở cùng tất cả anh em. Amen”.

5. Hai nghĩa chính của từ “Amen

“Tôi tin như vậy”, “Ước chi được như vậy”.

Trong khung cảnh tuyên xưng đức tin, “Amen” có nghĩa là: “Tôi tin như vậy”. Chẳng hạn, khi thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa nói với người lãnh nhận, “Mình Thánh Chúa Ki-tô”, người lãnh nhận đáp: “Amen”, nghĩa là: “Tôi tin như vậy”.

Khi ở vị trí kết thúc một lời nguyện, “Amen” nghĩa là: “Ước chi được như vậy!”.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org