Anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

06/05/2023

 

Chiếc xe máy chở hai sọt cá giống bị mất lái, lăn xuống ruộng đè lên người anh. Ruộng bùn sụt lún nên người anh cứ chìm dần xuống. Anh chết vì ngộp thở và sặc bùn. Chiếc xe đã cùng anh rong ruổi bao ngày tháng trên các nẻo đường khác nhau để nuôi sống anh và gia đình. Chiếc xe thân thương ấy giờ đây lại chính là thủ phạm gây nên cái chết của anh. Có lẽ trong giấc mơ của những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó lòng hình dùng ra một kịch bản như vậy.

Người ta thường có câu “Sinh nghề tử nghiệp” nghĩa là sống bằng nghề gì thì có thể sẽ chết bằng chính nghề đó. Câu nói này thật ứng vào cuộc đời của anh. Thường khi người ra đi rồi, ta mới giật mình biết rõ hơn về nghề nghiệp của người đó. Anh làm nghề buôn bán cá giống cũng đã mấy chục năm. Có những ngày anh đi hết tới bốn bình xăng xe máy. Điều đó cho thấy công việc của anh rất vất vả. Anh làm việc tất cả vì niềm đam mê và vì để nuôi sống gia đình. Tôi không biết rõ mỗi chuyến xe như vậy là bao nhiêu cân, nhưng chắc chắn là rất khó để lái. Nếu chúng ta chở một vật rắn thì công việc dễ dàng hơn nhiều so với chở nước. Nước sẽ chuyển động khiến tay lái của chúng ta khó lòng giữ yên được. Với tôi, đó thực sự là một nghề nguy hiểm. Hồi bé, tôi cũng đi chở thóc gạo với các anh chị trong gia đình. Chở thóc gạo tôi thấy đã khó, còn chở cá giống thì khó hơn rất nhiều.

Cuộc sống giống như một cuộc chiến đấu không ngừng. Đất nước của chúng ta còn nghèo, nên ai cũng phải gồng mình để kiếm kế sinh nhai. Tôi may mắn được đi nhiều nước trên thế giới. Tôi thấy người Việt chúng ta sang nước ngoài cũng rất vất vả. Những người vượt biên thì gặp khó khăn trong ngôn ngữ. Họ không có nhiều lựa chọn trong công việc. Đa phần là làm những công việc tay chân. Nhiều người trong số họ phải làm ca đêm chứ không được làm ban ngày.

Tôi không sao quên được chia sẻ của nhạc sĩ Phú Quang trong chương trình “Ký ức vui vẻ”. Ông kể rằng một lần ông sang Nga công tác. Ông đi ra chợ người Việt để mua đồ Việt Nam về nấu ăn. Có một chàng trai đứng bán hàng ở ngoài trời. Anh ta bán cho ông một số hàng và không lấy tiền. Anh bảo sang bên này làm ăn, gặp được người Việt là vui rồi bởi anh rất nhớ Việt Nam. Hai hôm sau, nhạc sĩ Phú Quang quay lại tìm anh với ý định tặng anh một đĩa nhạc của ông và một số tiền nhưng không thấy anh đâu. Hỏi ra mới biết, anh đã chết từ hôm trước rồi. Những người bán hàng xung quanh bảo anh chết vì lạnh. Nhạc sĩ Phú Quang khi kể lại câu chuyện này vẫn đầy xúc động. Ông đã viết nên ca khúc “chiều đông Matxcơva” để tặng riêng cho người thanh niên đó. Những ca từ và giai điệu của bài hát khiến người nghe cảm nhận một tình cảm sâu sắc của tác giả. Mỗi lần sang Nga, nhạc sĩ Phú Quang luôn được yêu cầu hát bài hát này. Quả thực, có đi ra bên ngoài mới thấy thương người Việt chúng ta. Đi đâu, chúng ta cũng phải làm việc cật lực để có tiền gửi về quê hương vì biết ở nhà vẫn còn nghèo.

Anh tên là Chiến. Anh sinh năm 1967. Bố mẹ đặt cho anh cái tên đó vì anh sinh ra trong những ngày tháng chiến tranh nguy hiểm. Hằng ngày, đối diện với bom đạn nên bố anh đã đặt tên đó cho anh để nhắc nhớ về những ngày tháng đó. Cái tên như một định mệnh. Anh đã phải không ngừng chiến đấu trong cuộc sống này. Và anh đã chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng. Anh đã chẳng có phút giây nào nghỉ ngơi. Anh là con cả trong gia đình có tổng cộng chín anh chị em. Ba người em gái đi tu. Hai người là nữ tu Mến Thánh Giá Hà Nội và một là nữ tu Phaolô tỉnh dòng Hồng Kông. Ông bà cố đều đã gần tám mươi. Ông cố thì còn khoẻ mạnh và minh mẫn còn bà cố thì giống như một trẻ thơ. Hôm anh mất, bà cố hỏi các cháu là nhà thằng Chiến có chuyện gì mà đông người thế. Khi biết con mình đã qua đời vì tai nạn, bà cố buông một câu rất nhẹ nhàng: “Chết rồi thì đọc kinh cầu nguyện cho nó chứ khóc lóc làm gì?” Câu nói nghe có vẻ ngây ngô nhưng hàm chứa chân lý trong đó. Ai rồi chẳng phải chết. Mà chết là được về với Chúa thì khóc lóc làm gì. Chỉ cần cầu nguyện thôi là đủ rồi.

Tôi đã về coi sóc Giáo xứ được hơn một năm. Tôi cũng đã gặp anh một vài lần trong các bữa tiệc của Giáo xứ cũng như gia đình. Tuy nhiên, tôi chưa nói chuyện nhiều với anh bởi anh là người rất ít nói. Tôi nhớ cũng có một lần đã tới thăm gia đình của anh. Anh sinh được ba cháu. Con trai lớn và con gái thứ hai đã yên bề gia thất. Con trai út thì đang học năm thứ ba đại học. Kinh tế gia đình cũng tương đối ổn định. Có lẽ anh cũng đã hoàn thành sứ mệnh của một người chồng và người cha trong gia đình.

Sự ra đi của anh chắc chắn là nỗi buồn khó diễn tả đối với vợ và các con của anh. Tôi nói với gia đình rằng Thiên Chúa luôn có kế hoạch của Ngài. Là con người, chúng ta không thể hiểu hết được. Chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng thái độ xin vâng. Và khi xin vâng, chúng ta sẽ có bình an. Sự ra đi đột ngột của anh cũng là bài học cho tôi và mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Không ai biết được ngày giờ ra đi của mình. Hôm nay hay ngày mai? Chúng ta phải luôn như người đầy tớ chờ đợi chủ đi ăn cưới về để khi chủ trở về thì mở cửa ngay cho chủ (x. Lc 12,36). Sự ra đi của anh cũng dạy cho chúng ta phải trân trọng những giây phút hiện tại này. Chúng ta cần làm cho nhau những gì có thể. Đừng đợi đến già mới báo hiếu cha mẹ. Đừng đợi có nhiều thời gian mới tới thăm nhau. Đừng đợi người đến với ta mà ta hãy chủ động đến với họ. Đừng đợi bởi người có thể ra đi mà ta không bao giờ gặp lại.

Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót đón nhận linh hồn Phan-xi-cô Xa-vi-ê vào hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org