Bài 19: Tại sao chúng ta xông hương?

Khi cử hành Thánh lễ, các linh mục xông hương Thánh giá, bàn thờ, lễ vật… Đâu là ý nghĩa của việc xông hương?

1. Sử dụng hương nơi người Do thái trong Cựu ước

Kinh Thánh bản LXX, hương được gọi là “libanos”, “libanotos”; bản Vulgata gọi là “thus” chỉ thứ nhựa cây (cây boswellia sacra), khi đốt lên sẽ tỏa ra hương thơm dễ chịu. Ngày xưa, người ta thường nhập khẩu hương từ xứ Ả rập. Người Do thái nhập khẩu hương từ Saba và Reema: “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60,6). Ngôn sứ Giê-rê-mi-a ghi lại lời sấm của Đức Chúa: “Ta cần chi nhũ hương từ Sơ-va đưa tới, cần chi cây sậy thơm từ đất xa đem về ?” (Gr 6,20).

Ngay khi dân Is-ra-el còn ở trong sa mạc, Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông Mô-sê làm bàn thờ để đốt hương (x. Xh 30,1-10; 37,25-28):

“Ngươi sẽ đặt hương án đó trước bức trướng che Hòm Bia Chứng Uớc, trước nắp xá tội nằm ở trên Chứng Uớc là nơi Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Trên đó, A-ha-ron sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc A-ha-ron thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan Đức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30,7-8).

Mỗi ngày A-ha-ron phải dâng hương cho Thiên Chúa hai lần. Vào thời Đức Giêsu, giờ dâng hương được qui định vào lúc 9 giờ sáng và 3 giờ chiều.

Ban đầu, việc dâng hương chỉ dành cho các thượng tế, nhưng thời Đức Giêsu, người dâng hương là các tư tế, tuần tự theo bốc thăm, như ông Da-ca-ri-a, và mỗi tư tế chỉ được dâng hương một lần duy nhất trong đời.

Người ta chỉ dâng hương cho Thiên Chúa. Các tư tế phải pha chế hương theo đúng quy định của Thiên Chúa (Xh 30,34-38), và nghi thức dâng hương được quy định rõ ràng. Ai làm sai sẽ bị tử hình (Ds 16, 1-35).

Vào ngày lễ Xá tội, mỗi năm một lần, thượng tế sẽ vào nơi cực thánh dâng hương để tránh tội chết: “Nó sẽ lấy than hồng trên bàn thờ trước nhan Đức Chúa bỏ đầy vào bình hương, sẽ bốc hai nắm đầy bột hương thơm, và đem vào phía sau màn trướng. Nó sẽ bỏ hương vào lửa, trước nhan Đức Chúa, và khói hương như mây sẽ phủ nắp xá tội ở trên Chứng Uớc, và như vậy nó sẽ không phải chết” (Lv 16, 11-14).

Người ta có thể dâng hương độc lập, hoặc kèm theo các lễ vật khác, nhất là các lễ vật không đổ máu, như lúa, hoa trái. Nhưng không bao giờ dâng hương trong các hy tế để xin ơn tha tội: “Nếu người ấy không thể kiếm được một đôi chim gáy hay một đôi bồ câu non, thì vì tội phạm, nó phải đưa đến dâng lễ tiến, là bốn lít rưỡi tinh bột làm lễ tạ tội. Người ấy sẽ không đổ dầu lên trên, cũng không bỏ hương vào, vì đó là lễ tạ tội” (Lv 5,11).

Cựu ước cũng như Tân ước, khói hương tượng trưng cho lời cầu nguyện: “Uớc chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141,2). “Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh” (Kh 5,8; 8,3-4).

2. Sử dụng hương nơi người Hy Lạp và Rôma

Thời cổ xưa, trước Chúa Giêsu, người Hy lạp đốt củi thơm để tôn kính các vị thần. Trầm hương chỉ được sử dụng từ thế kỷ VIII TCN. Người ta đốt hương để bày tỏ lòng tôn kính các vị thần. Người ta đốt hương cùng với lễ vật có máu hoặc không có máu, hoặc trộn hương với lễ vật, hoặc rảy hương trên lễ vật rồi thiêu cháy tất cả. Người ta dâng hương trong các lễ nghi diễn ra nơi công cộng hay trong gia đình. Trầm hương được xem là quà tặng quý giá. Ba vua dâng lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược.

Người Rôma tiếp nhận văn hóa của người Hy lạp. Khi chưa khám phá ra trầm hương, người ta đốt các loại cây có hương thơm. Khi dâng lễ vật, người ta dùng trầm hương. Trước khi đốt cháy lễ vật, người ta đổ hương và rượu lên bàn thờ. Ngoài phạm vi tôn giáo, người Rôma thường sử dụng hương trong gia đình, nơi công cộng để tạo bầu khí thoải mái, dễ chịu.

3. Sử dụng hương nơi các Ki-tô hữu

Các Ki-tô hữu tiên khởi, mặc dù chịu ảnh hưởng của Do thái giáo về ý nghĩa và cách sử dụng hương trong phụng vụ, nhưng họ vẫn nghi ngờ việc sử dụng hương trong các nghi lễ phụng vụ, nhất là khi họ nhìn thấy việc dâng hương trong các nghi lễ của ngoại giáo.

Nhìn chung, gần bốn thế kỷ đầu, các Ki-tô hữu không sử dụng hương trong các nghi lễ phụng vụ. Một số giáo phụ, chẳng hạn thánh Gius-ti-nô lên án việc dâng lễ vật có máu và dâng hương: “Thiên Chúa mà các Kitô hữu tôn thờ, không cần đến các thứ ấy”.

Trong khi các giáo phụ lên án việc dùng hương trong các lễ nghi phụng vụ, thì các ngài lại ủng hộ dùng hương trong các nghi lễ an táng để diễn tả việc tôn kính người đã qua đời. Các Ki-tô hữu tẩm thi hài người quá cố bằng hương hoặc xông hương xung quanh quan tài để bày tỏ lòng tôn kính, như thói quen của người Do thái: “Ông Ni-cô-đê-mô mang theo chừng một trăm cân một dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,39-40).

Tuy nhiên, theo sách “Di chúc của thánh Ephreim”[1] (+373), trước khi qua đời, ngài căn dặn không dùng trầm hương khi an táng ngài, nhưng trong thánh đường, hãy dâng hương lên Thiên Chúa để mọi người bước vào đều được hưởng mùi thơm tho. Như vậy, bên Giáo hội Đông phương đã sử dụng hương trầm trong thánh đường từ thế kỷ IV. Bên Giáo hội Tây phương, mãi tới cuối thế kỷ IV, chúng ta mới tìm thấy chứng từ nơi thánh Am-brô-si-ô khi ngài giải thích Lc 1,11: adolere altaria (xông hương bàn thờ).

Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 276 nói về việc xông hương như sau:

Việc xông hương bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện, theo ý nghĩa trong Sách Thánh (x. Tv 140,2; Kh 8,3). Có thể tùy nghi dùng hương trong bất cứ hình thức Thánh lễ nào:

a) Khi đi rước ra bàn thờ;

b) Đầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;

c) Khi rước sách Tin Mừng và trước khi công bố bài Tin Mừng;

d) Sau khi đặt bánh và chén trên bàn thờ, xông hương lễ vật, thánh giá và bàn thờ, rồi cũng xông hương linh mục và cộng đoàn;

e) Khi nâng Bánh thánh và Chén thánh sau truyền phép.

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org


[1] Testament de saint Ephreim.