40 điều lưu ý trong Văn kiện “Canh tân đời sống đức tin theo tinh thần Công nghị TGP Hà Nội”

Văn kiện Hậu Công nghị Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội đã được Đức Tổng Giám mục (TGM) Giu-se Vũ Văn Thiên ban hành ngày 15 tháng 8 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2023. Có thể nói, đây là hoa trái tốt đẹp của Công nghị nhằm giúp mọi thành phần dân Chúa của TGP cùng nhau tiến bước theo một định hướng với nhiều khía cạnh khác nhau trong mục vụ.

Dưới đây là 40 điều lưu ý được trích từ Văn kiện “CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN THEO TINH THẦN CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI”, liên quan cụ thể đến một số cử hành Phụng vụ, Á bí tích và các việc đạo đức được quy định rõ trong Văn kiện.

* Liên quan đếnn-van-kien-canh-tan-doi-song-duc-tin-theo-tinh-than-cong-nghi-tong-gi cử hành phụng vụ và á bí tích

212. Vì sự thánh thiêng của Thánh lễ và cử hành Thánh lễ là hướng về Thiên Chúa, nên khi Thánh lễ đã bắt đầu với việc chủ sự làm Dấu Thánh giá, không được thêm thắt những nghi thức ngoài Phụng vụ như đón rước khách, giới thiệu quý cha đồng tế, tặng hoa… ngoại trừ các Thánh lễ có nghi thức đặc biệt như đặt cha chính xứ, quyết định thiết lập giáo xứ…

213. Để đảm bảo bầu khí cầu nguyện sau Thánh lễ, không tổ chức chụp ảnh ngay trong nhà thờ, khi cộng đoàn còn đang hát kết lễ hoặc đọc kinh sau lễ.

214. Các nghi thức chỉ được cử hành trong Thánh lễ theo như Sách lễ Rôma và sách nghi thức quy định. Không tuyên hứa thiếu nhi Thánh Thể, trao bằng giáo lý, trao giấy khen học sinh giỏi hay bất cứ hình thức nào tương tự ngay sau bài giảng hay sau lời nguyện hiệp lễ. Nên đưa các hoạt động này tách rời khỏi Thánh lễ (trước Thánh lễ hoặc sau phép lành).

215. Đối với các Thánh lễ cung hiến bàn thờ, nhà thờ, làm phép nhà thờ, nhà giáo lý và nhà mục vụ… không tổ chức việc cắt băng khánh thành, vốn chỉ mang tính xã hội.

216. Tránh làm giảm sự thánh thiêng của Thánh lễ và nhầm lẫn với các cuộc hội họp xã hội. Các Thánh lễ ngoài trời không nên trang trí phông nền với khẩu hiệu, tiêu đề buổi lễ (ví dụ: Thánh lễ Tạ ơn tân linh mục…) làm lu mờ các yếu tố quan trọng khác cần cho Thánh lễ, như thánh giá, bàn thờ, giảng đài, ghế chủ toạ…

221. Trong Thánh lễ an táng hoặc cầu hồn, các linh mục không được đeo khăn tang ngoài áo lễ, vì khăn tang không phải là phẩm phục Phụng vụ. Cũng vậy, không đeo khăn Thiếu nhi Thánh Thể hay bất cứ thứ gì khác ngoài phẩm phục phụng vụ đã quy định.

222. Chỉ mặc lễ phục màu hồng vào các Thánh lễ Chúa nhật III mùa Vọng và Chúa nhật IV mùa Chay; không mặc lễ phục mầu hồng trong bất cứ Thánh lễ nào khác, kể cả lễ hôn phối.

225. Người đọc Sách thánh, hát Đáp ca, đọc Lời nguyện tín hữu phải là tín hữu Công giáo. Những người này phải chuẩn bị phận vụ của mình cách chu đáo: cầu nguyện và dọn đọc trước; mặc y phục xứng hợp; có giọng đọc rõ ràng, không bị ngọng hay nói lắp. Những người chưa được rửa tội hoặc những người đang mắc ngăn trở hôn phối công khai không được thực hiện các công việc này.

226. Người đọc Sách thánh không tiến lên giảng đài khi linh mục chủ tế chưa chấm dứt lời nguyện nhập lễ, mà chỉ tiến lên khi cộng đoàn đã thưa: Amen.

227. Người hát Đáp ca hay đọc Lời nguyện tín hữu, khi tiến lên giảng đài, không giơ cao sách như rước sách Tin Mừng, chỉ cầm sách ngang thân người.

228. Giảng đài là nơi thích hợp để đọc Lời nguyện tín hữu. Không đọc Lời nguyện tín hữu tại gác đàn hay một nơi khác không xứng hợp.

229. Không được rao lịch hay đọc thông báo ở giảng đài. Những việc này cần làm trước khi linh mục tiến ra bàn thờ và ở một vị trí khác trên cung thánh.

231. Hy tế Thánh Thể phải được cử hành với rượu nho tự nhiên, nguyên chất và không biến chất, nghĩa là không pha vào đó những chất khác. Phải cẩn thận gìn giữ rượu nho dùng cho Phép Thánh Thể ở tình trạng hoàn hảo, và theo dõi đừng để rượu lễ bị chua. Tuyệt đối cấm sử dụng rượu mà có sự nghi ngờ về tính xác thực và nguồn gốc của nó.

232. Nếu có dâng lễ vật thì chỉ được dâng bánh và rượu được sử dụng để truyền phép trong Thánh lễ đó. Không dâng bánh rượu rồi đem cất đi.

233. Phải sử dụng Sách lễ và Sách Bài đọc đã được chuẩn nhận bởi thẩm quyền Giáo Hội, không dùng bản rời (chỉ với một vài tờ giấy in tạm) bài đọc cho Thánh lễ đó.

236. Các vật dụng được sử dụng trong Phụng vụ phải là những đồ được sản xuất dành riêng cho Phụng vụ, không tuỳ tiện sử dụng những vật dụng sinh hoạt thường ngày vào việc Phụng vụ như: chén, đĩa dâng lễ và bình đựng Mình Thánh bằng sành sứ, lọ rượu nước bằng đồ gia dụng…

251. Thời điểm thích hợp cho việc quyên góp tiền dâng lễ vật bắt đầu từ khi đọc lời nguyện tín hữu và kết thúc trước kinh “Thánh, Thánh, Thánh…”.

254. Không quyên góp tiền bằng hình thức dâng lễ vật trong Thánh lễ. Nếu cần phải quyên góp tiền vì lý do chính đáng, chẳng hạn xây dựng nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý… thì có thể quyên góp sau khi kết thúc lời nguyện hiệp lễ.

255. Ngoài những Thánh lễ được đồng tế theo luật chung, trong Tổng Giáo phận Hà Nội, các linh mục cũng được đồng tế trong các trường hợp sau:

256. Lễ an táng:

– Giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh;

– Cha mẹ của giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh;

– Những người làm việc trong Ban Mục vụ giáo xứ, giáo họ (vợ hoặc chồng). Chỉ các linh mục từng là cha xứ, cha phó của giáo xứ mới có thể đồng tế trong trường hợp này;

– Những linh mục có liên hệ họ hàng với người quá cố (ông, bà, chú, bác, cô, cậu, mợ, dì, dượng, anh, chị, em, v.v…) có thể đồng tế trong Thánh lễ an táng.

257. Lễ giỗ đầu và mãn tang cha mẹ của giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh.

264. Khi bắt buộc phải an táng thi hài người quá cố vào những ngày luật Phụng vụ không cho phép cử hành Thánh lễ an táng, có thể cử hành nghi thức phó dâng và từ biệt lần cuối, nhưng phải hoàn toàn tách rời khỏi Thánh lễ. Thánh lễ cầu hồn cho người quá cố sẽ được cử hành vào một ngày thuận tiện khác. Như vậy, có thể cử hành nghi thức phó dâng và từ biệt lần cuối trong bất cứ ngày nào, kể cả trong Tam Nhật Vượt Qua. Tuy vậy, việc để thi hài trong Thánh lễ (mặc dù Thánh lễ được cử hành theo đúng lịch Phụng vụ), rồi chờ tới hết Thánh lễ để cử hành nghi thức phó dâng và từ biệt cũng không được phép.

272. Không đặt di ảnh của người quá cố trong nhà thờ vào các dịp lễ giỗ hoặc cầu hồn. Việc đặt di ảnh không phải là yếu tố phải có trong Phụng vụ, hơn nữa việc này có thể dẫn tới lầm lẫn với ảnh tượng các vị chân phước và các thánh.

273. Bộ Phụng tự cho rằng, trong nghi thức an táng, với sự hiện diện của thân xác, Giáo Hội bày tỏ lòng tôn kính đối với thân xác, vốn đã được thánh hóa nhờ Bí tích Rửa tội, và trở nên đền thờ của Thánh Thần, tro cốt của người qua đời không còn bộc lộ được dấu hiệu đó nữa, do đó, không thể dành cho tro cốt những nghi thức dành cho thân xác, tựa như xông hương103.

274. Vì vậy, không thể cử hành Thánh lễ an táng cũng như không thể cử hành nghi thức tiễn biệt cho người đã qua đời với tro cốt. Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng (dịch bệnh, hoặc người đã qua đời mắc bệnh truyền nhiễm cần phải hỏa táng trước khi mang tới nhà thờ), có thể cử hành lễ cầu hồn (bản văn dành cho lễ cầu hồn chứ không phải là bản văn dành cho lễ an táng) với tro cốt của người đã qua đời. Sau lời nguyện hiệp lễ, không cử hành nghi thức phó dâng và từ biệt, nhưng có thể xông hương và rảy nước thánh lên bình đựng tro cốt người đã qua đời.

275. Các linh mục cần hết sức trân trọng truyền thống đáng kính dùng các trẻ em nam giúp lễ, vì chính từ các lễ sinh này, nhiều ơn gọi linh mục đã nảy sinh.

Vì vậy, trong Tổng Giáo phận Hà Nội, chỉ giáo xứ, giáo họ nào thực sự có nhu cầu mới có thể cho phép các trẻ em nữ giúp lễ, và chỉ cho phép các em này giúp lễ tới tối đa 12 tuổi.

283. Quy định y phục dành cho các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ trong Tổng Giáo phận Hà Nội như sau:

– Áo alba như Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma qui định.

– Áo dài khăn xếp, mầu xanh hoặc trắng.

287. Mỗi lần trao Mình Thánh cho giáo dân, thừa tác viên nâng Mình Thánh lên và xướng “Mình Thánh Chúa Ki-tô” rồi trao cho người rước lễ. Lưu ý không cầm nhiều Mình Thánh một lần và đưa liên tục cho các người rước lễ. Đây là hành vi bất kính đối với Mình Thánh Chúa.

304. Các tín hữu làm dấu Thánh giá trên mình khi thừa tác viên ban phép lành với Mình Thánh Chúa.

307. Ngày chầu lượt hay còn được gọi là ngày chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Tổng Giáo phận là truyền thống tốt đẹp lâu đời của Tổng Giáo phận cần phải được duy trì và phát triển. Ngày chầu này cần phải được diễn ra liên tục từ sáng cho tới chiều tối. Không nên tùy tiện chầu nửa ngày, hoặc chầu vài giờ rồi lại nghỉ giải lao…

388. Từ tháng 11/2021, Tổng Giáo phận sẽ cử hành lễ các Thánh Tử đạo quê quán Tổng Giáo phận và các Thánh Tử đạo có liên hệ với Tổng Giáo phận theo hai bậc lễ riêng của Tổng Giáo phận:

– Bậc lễ kính: Tại nơi sinh, nơi làm mục vụ, nơi chịu tử đạo, nơi an táng hoặc nơi có liên hệ với Thánh Tử đạo;

– Bậc lễ nhớ: Tại tất cả các nhà nguyện, nhà thờ trong Tổng Giáo phận Hà Nội.

389. Nếu ngày mừng lễ các Thánh Tử đạo Tổng Giáo phận trùng với các ngày lễ khác trong lịch Phụng vụ chung của Giáo Hội (Lễ nhớ, Lễ kính, Lễ trọng, Lễ Chúa nhật…) thì sẽ được dời vào ngày khác phù hợp với luật Phụng vụ.

* Liên quan đến các việc đạo đức

429. Các vãn hoa dâng Đức Mẹ và các Thánh là lời cầu nguyện mà các tín hữu cử hành để bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ hoặc các Thánh. Có thể dâng đơn (một đội) hoặc có thể đồng dâng (nhiều đội cùng lúc).

430. Vì là lời cầu nguyện, nên người dâng hoa phải hát, thay vì chỉ múa theo các bài thánh ca được thu âm sẵn. Không nên chạy theo cám dỗ thay bài mới, sáng tác cử điệu mới để thay đổi mỗi năm; thay vào đó nên sử dụng những bài hát quen thuộc và những lối chuyển hình đơn giản, có ý nghĩa, nhằm giúp các tín hữu cầu nguyện.

431. Hết sức tránh việc biến buổi dâng hoa thành một buổi biểu diễn văn nghệ, cầu kỳ về trang phục, rườm rà về cử điệu… mà quên đi mục đích chính yếu của việc dâng hoa là cầu nguyện.

432. Theo truyền thống, các giáo xứ dâng hoa vào tháng 5. Tháng 10 là tháng Mân côi, tập trung cách đặc biệt vào việc lần chuỗi Mân côi. Vì thế, không nên tổ chức dâng hoa vào tháng 10, nhưng nên tổ chức lần chuỗi Mân côi theo hội đoàn, theo nhóm gia đình hoặc cả giáo xứ.

442. Việc thắp hương trên bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên là điều được phép, nhưng không được dùng bát hương hay đỉnh hương với những hoạ tiết không phù hợp với đức tin Công giáo. Nên sử dụng những bát hương và đỉnh hương với hoạ tiết mang biểu tượng Công giáo.

443. Khi lập bàn thờ tổ tiên, phải đặt dưới hoặc thấp hơn bàn thờ Chúa.

449. Lưu tâm tới việc đọc kinh, cầu nguyện cho người qua đời, biểu lộ niềm tin và hy vọng vào sự phục sinh, thay vì chơi kèn trống ồn ào hoặc khóc than bi luỵ. Đặc biệt, cấm sử dụng những hình thức “khóc thuê” trong các dịp ma chay Công giáo.

455. Không tổ chức dâng Thánh lễ cầu hồn tại vườn thánh vào dịp Tết Nguyên Đán, vì không phù hợp với bầu khí ngày Tết. Bản văn và bầu khí Phụng vụ của Thánh lễ ngày Mùng Hai Tết cũng không phù hợp với hoàn cảnh vườn thánh (cầu nguyện cho người đã qua đời): Phụng vụ Lễ trọng với kinh Vinh Danh, lời nguyện hướng về người chết nhưng cũng hướng về người còn sống, mời gọi con cháu sống đạo hiếu, kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ.

BBT chọn lọc

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org