Số 18: Kinh Tạ Ơn, Kinh Tiền Tụng, Kinh “Thánh, Thánh, Thánh” là gì?

Phụng vụ tạ ơn được dịch từ tiếng La-tinh “Liturgia eucharistica”. Danh từ euchatistica theo nguyên ngữ Hy lạp có nghĩa là “tạ ơn”, “cảm tạ”. Cho nên, phần này được gọi là “Phụng vụ tạ ơn”.

Danh từ euchatistica cũng được dùng để chỉ việc bánh, rượu biến đổi thành Mình Máu Chúa, cho nên phần này còn được gọi là “Phụng vụ Thánh Thể”.

Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 72 trình bày tổng quát về phụng vụ Thánh Thể.

Phụng vụ Thánh Thể gồm 3 phần tương đương với ba cử chỉ của Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly: 

– Người cầm lấy bánh (chuẩn bị lễ phẩm); 

– Dâng lời tạ ơn (kinh Tạ ơn); 

– Bẻ ra và trao cho các môn đệ (bẻ bánh và hiệp lễ).

1. Kinh Tạ Ơn là gì?

Kinh Tạ Ơn là “tâm điểm” và “cao điểm” của toàn bộ việc cử hành Thánh Lễ (x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 78) tới mức, tên gọi của kinh này “Tạ Ơn – Eucharistia” được dùng để gọi Thánh lễ.

“Bây giờ bắt đầu đi vào tâm điểm và cao điểm của toàn bộ việc cử hành nghĩa là đến chính kinh nguyện Thánh Thể, là kinh nguyện tạ ơn và hiến thánh. Linh mục mời cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, nhờ Đức Giê-su Ki-tô và trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là để toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Ki-tô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ. Kinh nguyện Thánh Thể đòi mọi người cung kính và thinh lặng lắng nghe” (Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 78).

Sách lễ Rô-ma tiếng La-tinh, “Kinh Tạ Ơn” là Prex eucharistica. Tên gọi này lấy lại từ tiếng Hy lạp. Theo Hy ngữ, “eucharistica” có nghĩa là “tạ ơn”, nói cách khác, là hành động biết ơn trước hồng ân đã lãnh nhận. Bản chất của kinh này là lặp lại lời Chúa Giê-su đã đọc trong bữa tiệc ly. Vì lý do đó, Kinh Tạ Ơn được dành riêng cho chủ tế, dù ngài đọc nhân danh cộng đoàn (x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 30 và 147).

Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 79 liệt kê tám yếu tố: 1. Tiền tụng; 2. Tung hô; 3. Khẩn nài; 4. Tường thuật; 5. Tưởng niệm; 6. Dâng tiến; 7. Chuyển cầu; 8. Vinh tụng ca.

2. Kinh Tiền Tụng là gì?

Việc chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Chúa bao trùm toàn thể Thánh lễ nhưng được diễn tả một cách rõ rệt qua Kinh tiền tụng là phần mở đầu Kinh Tạ Ơn. Thật vậy, ý tưởng chủ đạo của Kinh Tiền Tụng là chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Chúa. Vị chủ tế nhân danh Giáo hội chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Ngài vì tất cả công trình cứu độ hoặc một khía cạnh đặc biệt nào đó, tùy theo mùa, lễ, ngày.

a. Lịch sử

Từ thế kỷ I-VII, Kinh Tiền Tụng được coi là thành phần của Kinh Tạ Ơn. Nhưng từ thế kỷ VIII đến Công đồng Va-ti-ca-nô II, kinh này không được coi là thành phần của Kinh Tạ Ơn. Các sử gia giải thích như sau, thời Trung cổ, người ta hát Kinh tiền tụng và lời tung hô, sau đó mọi người thinh lặng quỳ gối. Kinh nguyện tiếp theo là Te igitur (Vì vậy, lạy Chúa). Người ta cho rằng, Kinh Tạ Ơn bắt đầu sau lời tung hô và tiếp tục trong thinh lặng cho đến khi kết thúc. Thời bấy giờ, tư tế không đọc to tiếng Kinh Tạ Ơn, ví như cử chỉ các tư tế thời xưa bước vào nơi cực thánh còn dân chúng thì đứng ở bên ngoài.

Sách lễ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II trở lại với truyền thống Giáo hội bảy thế kỷ đầu, coi Kinh Tiền Tụng là thành phần của Kinh Tạ Ơn. Thật vậy, Kinh Tiền Tụng, tiếng La-tinh là “Praefatio”. Danh từ này được ghép bởi hai từ: prae và fariPrae: đàng trước, phía trước; fari mang hai nghĩa:

– “nói trước”, nghĩa là lời tựa, dẫn nhập, mở đầu;

– “nói trước mặt”, nghĩa là nói lớn tiếng, công bố.

Theo nghĩa thứ nhất, Praefatio là lời mở đầu cho Kinh tạ ơn. Theo nghĩa thứ hai nó chỉ toàn bộ Kinh tạ ơn, bởi vì kinh nguyện ngày chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa.

Số Kinh Tiền tụng: Sách lễ thời đức giáo hoàng Lê-ô Cả (440-461) có 267 Kinh Tiền tụng. Đức Grê-gô-ri-ô Cả (590-604) rút lại còn 14. Con số này không thay đổi trải qua các thế hệ kế tiếp. Sách lễ do Công đồng Va-ti-ca-nô II nâng số Kinh Tiền tụng lên 108. 

b. Nội dung

– Mở đầu là những lời đối thoại

X. Chúa ở cùng anh chị em.

Đ. Và ở cùng Cha.

  Không phải là lời chào thăm nhưng loan báo sự hiện diện của Chúa.

X. Hãy nâng tâm hồn lên.

Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.

  Câu này trích dẫn từ sách Ai-ca 3,41.

X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Đ. Thật là chính đáng.

– Nhập đề: Thường là công thức cố định: “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con”.

– Thân đề: Nêu lý do của việc chúc tụng tạ ơn.

– Kết đề: Thường là một công thức cố định để chuyển sang lời tung hô. “Vì thế cùng với các thiên thần và toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng”.

3. Kinh Tung hô “Thánh, Thánh, Thánh…” là gì?

Với kinh “Thánh, Thánh, Thánh”, lời ca tụng của chúng ta tham dự vào lời ca tụng của muôn thần thánh trên trời. Như vậy, kinh “Thánh, Thánh, Thánh” là lời ca tụng của Giáo hội vinh thắng và Giáo hội đang lữ hành. 

Kinh “Thánh, Thánh, Thánh” xuất hiện trong phụng vụ khá muộn màng. Trong tác phẩm Truyền thống các Tông đồ của thánh Híp-pô-li-tô (tk. III) chưa thấy có lời kinh này, mãi tới năm 530, kinh này mới xuất hiện. 

Cho tới thế kỷ XII, giáo sỹ và giáo dân cùng hát kinh “Thánh, Thánh, Thánh”. Tuy nhiên, từ thế kỷ XII, khi kinh này được phổ nhạc, nhất là nhạc đa âm, ca đoàn giữ vai trò hát chính, giáo dân hát kèm theo; hoặc chủ tế và những người đứng xung quanh bàn thờ hát, giáo dân chỉ đứng nghe. Phụng vụ hiện nay trở về với phụng vụ nguyên thủy, tất cả cộng đoàn phụng vụ cùng với muôn thiên thần trên trời ca tụng Thiên Chúa khi hát kinh “Thánh, Thánh, Thánh”.

Nhằm diễn tả niềm vui, cuốn sách phụng vụ của Giám mục Durandus (+1296), lần đầu tiên ghi chú, đàn phong cầm được phép đệm khi hát kinh “Thánh, Thánh, Thánh”. Sách lễ Rô-ma 1570 còn ghi phải rung chuông hai lần, lúc hát ““Thánh, Thánh, Thánh” và lúc Truyền phép.  

Về nội dung kinh “Thánh, Thánh, Thánh”:

Thánh! Thánh! Thánh!. 

Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.

Trời đất đầy vinh quang Chúa.

Hoan hô Chúa trên các tầng trời.

Các lời tung hô này dựa theo bản văn của Isaia 6,3, thuật lại thị kiến trong đền thờ[1].

Kèm theo kinh “Thánh, Thánh, Thánh” là kinh “Chúc tụng – Benedictus:

Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.

Hoan hô Chúa trên các tầng trời.

Lấy lại lời tung hô của dân chúng khi Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem (Mt 21,9). Câu này cũng gợi lên Thánh Vịnh 117,26: “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa”.

Trong khi kinh “Thánh, Thánh, Thánh” hướng về Chúa Cha, kinh “Chúc tụng – Benedictus” lại hướng về Chúa Giê-su: “Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.

Tìm hiểu kinh “Thánh, Thánh, Thánh” chúng ta thấy: “Trời đất đầy vinh quang Chúa”. Vinh quang Chúa tỏ hiện qua công trình tạo dựng và cứu chuộc, nhất là nơi mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giê-su. Thánh lễ cũng là vinh quang Thiên Chúa. Mỗi lần Chúa đến trong Thánh lễ là vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện. Nhưng vào thời khắc nào trong Thánh lễ, Chúa đến ? Nghĩa là nên hát “Chúc tụng – Benedictus” liền với “Thánh, Thánh, Thánh”  hay là hát “Chúc tụng – Benedictus” sau khi truyền phép ? Sách lễ Rô-ma hiện nay, “Thánh, Thánh, Thánh”   và “Chúc tụng – Benedictus”  là một kinh trọn vẹn, và hát sau kinh Tiền tụng một lần mà thôi. Tuy nhiên, vào năm 1600 trong sách Caeremoniale episcoporum Benedictus tách rời khỏi Sanctus và hát sau truyền phép.

Theo Ordo romanus I (tk. VII), khi hát “Thánh, Thánh, Thánh”, tất cả mọi người trong thánh đường đều cúi mình xuống. Khi kinh “Thánh, Thánh, Thánh” kết thúc, chỉ mình Đức Giáo Hoàng đứng thẳng đọc phần tiếp theo của Kinh nguyện Thánh Thể, cộng đoàn tiếp tục giữ tư thế cúi mình cho đến hết Kinh nguyện Thánh Thể. Từ thế kỷ VIII đến năm 1969, chủ tế phải đọc thầm Kinh Tạ ơn từ Te igitur (Te igitur, clementissime Pater, per Iesum Christum Filium tuum Dominum nostrum – Lạy Cha rất nhân từ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con) đến hết vinh tụng ca (Chính nhờ Người với Người…).

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org


[1] Is 6,1-3: “Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Ðền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: Thánh! Thánh! Chí Thánh! Ðức Chúa các đạo binh là Ðấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”.