Để không trở thành vật cản – Chúa nhật XXVI Thường niên – Năm B

Các môn đệ của Chúa Giê-su có vẻ khá lo lắng vì có đối thủ cạnh tranh! 

Họ được kêu gọi đi theo Thầy, họ bỏ lại mọi thứ để đáp ứng nhu cầu đi theo Ngài, từ lâu họ đã là những người bạn thân nhất của vị Ráp-bi đáng kinh ngạc này, người mà danh tiếng đã lan rộng khắp Pa-lét-tin. Phải thừa nhận rằng các môn đệ có lý do chính đáng nào đó để yêu cầu một đặc quyền tối thiểu về thứ bậc.

Và khi đối mặt với một số người theo tôn giáo khác, những người đã và đang làm những điều kỳ diệu, hoặc nhân danh Chúa Giê-su, hoặc đáp lại một số yêu cầu của dân chúng bằng cách kêu gọi hành động của Thiên đàng, cũng có thể hiểu được rằng các môn đệ cũng đang lo lắng về việc bảo tồn một tôn giáo – cái gọi là ‘chính thống’ từ thông điệp của Thầy. Nếu một người kêu cầu danh Ngài thì ít nhất người đó cũng phải được Ngài biết đến hoặc sai đến…

Đây không phải là những thái độ xa lạ: xét cho cùng, chúng ta cũng trải cung bậc cảm xúc ấy, những môn đệ của thiên niên kỷ thứ ba, và vẫn luôn luôn mang tính con người. Trong sự cam kết chân thành của chúng ta để tìm kiếm và theo Chúa Giê-su, chúng ta cảm thấy một sự ghen tị tinh vi đối với những người dường như đang theo Ngài với những thành công to nhỏ ngoài kia. Hoặc chúng ta thể hiện mình là những người nhiệt thành bảo vệ kẻ yếu kém, khi chúng ta nêu bật tất cả những ‘khuyết điểm’ của một hoạt động mục vụ hoặc một dự án truyền giáo không do chúng ta quản lý mà chúng đang có nguy cơ bị đánh mất tất cả những ‘ưu điểm’ đáng chú ý nào đó. Không có gì lọt qua mắt chúng ta được! Chúng ta cần xét lại xem có điều gì đang bị đe dọa ở đây?

Tại sao ngay cả trong những việc thánh thiện của Chúa, chúng ta lại là nạn nhân của những cuộc tranh cãi tìm kiếm mối quan hệ tầm thường nhất như vậy?

Thật dễ dàng để trả lời và giải quyết các câu hỏi bằng cách nhắc nhở bản thân rằng chúng ta là những con người mong manh mỏng dòn và chúng ta sẽ luôn nói như vậy. Điều này cũng được nói về Giáo hội khi Giáo hội cảm thấy bị tấn công hoặc bị phán xét vì những lỗi lầm đau đớn của các thành viên mình: ‘xét cho cùng’, người ta nói đi nói lại, ‘các linh mục cũng là con người, chúng ta cần phải hiểu họ!’. Theo một nghĩa nào đó, tất cả điều này là đúng. Và cũng rất hữu ích để tránh bị cám dỗ thường xuyên nghĩ rằng mình hoàn hảo về mặt thiêng liêng và không thể đạt được sự hoàn hảo bởi những bản năng và thôi thúc của xác thịt, trong khi chúng ta đã đi theo con đường hoán cải là theo sát bước chân của Chúa Giê-su. Điều này hình thành ý tưởng về con người để biện minh cho “sự chai lì” của chúng ta trong việc ghen tỵ, đố kỵ, chỉ trích và càm ràm. Nhưng một ý tưởng cao thượng nào đó đối với tội lỗi của chúng ta sẽ dẫn đến một hình thức kiêu ngạo vừa tinh tế vừa nguy hiểm. Đó là ý tưởng sâu xa cho rằng “chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi” bởi vì chúng ta không muốn thay đổi. Và hơn thế nữa: dần trở thành một thứ suy nghĩ cho rằng Thiên Chúa không thể thay đổi chúng ta. Và do đó, nó trở thành một hành vi thờ ngẫu tượng sâu bên trong: thờ ngẫu tượng chính mình và sự bất khả thay đổi của mình, ngay cả trong sự yếu đuối được nhận biết từ chính bản thân.

Cuối cùng, đó là vấn đề nuôi dưỡng một hình ảnh tĩnh lặng và sai lầm về bản thân, bắt nguồn từ một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, sau đó trở thành người đấu tranh cho sự thuận tiện của chính mình, thay vì chấp nhận một Thầy để đi theo trên con đường hoán cải, là biết đi con đường thập giá.

Hôm nay Chúa Giê-su cảnh báo các môn đệ của Người, và chúng ta cũng là chính các môn đệ trong số đó, cần chống lại cơn cám dỗ chiếm hữu Người để biến Người thành thần tượng, để che giấu nỗi sợ thay đổi và nỗ lực không ngừng nhằm quản lý không chỉ cuộc sống của chúng ta mà còn muốn của người khác nữa. 

Thực ra, Chúa Giê-su mời gọi những người theo Người thay đổi cái nhìn và thanh luyện

Đối với tha nhân, Ngài mời gọi chúng ta nhìn bằng con mắt thương xót và dịu dàng, để có thể nắm bắt được ngay cả những cử chỉ yêu thương nhỏ bé nhất của bất kỳ ai. Một ly nước được trao cho một trong những môn đệ của Người cũng đủ xứng đáng với niềm vui của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa để mắt đến mọi hành động bác ái đơn giản, mà không tính đến “nhãn hiệu” xuất phát từ đó.

Và đối với chính mình, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta có một cái nhìn cũng tinh tế và tế nhị không kém, trong việc biết cách nắm bắt những rủi ro tinh tế nơi lòng tự ái của mọi người. Đôi khi chỉ cần một con mắt tham lam, một bàn tay bạo lực, một đôi chân sợ hãi đã trở thành vật cản khó khăn trên con đường của người môn đệ. Hoặc tệ hơn nữa, trở thành vật cản cho những “kẻ bé mọn” đang tìm kiếm con đường đi theo Chúa Giê-su. Họ đang phải vật lộn tìm kiếm, họ tìm kiếm con đường theo Chúa nhưng bị thương tích bởi lịch sử, họ tìm kiếm nó mệt mỏi vì quá khứ, nhiều nỗ lực đã thất bại. Quả là một trách nhiệm to lớn đối với người môn đệ của Chúa Giê-su, đối với người Ki-tô hữu, được kêu gọi cúi xuống dưới chân người khác để có thể giúp đỡ và hỗ trợ trên hành trình của chính mình và tha nhân, thay vì lấp đầy con đường bằng những viên đá nguy hiểm, vốn là điều có thể giết và ném đá lẫn nhau.

Đối với Chúa Giê-su, sự thanh luyện tinh thần này bắt đầu từ việc chăm sóc nội tâm của một người và thể hiện qua việc làm chứng không mệt mỏi về sự dịu dàng, có giá trị hơn bất kỳ phép lạ nào và bất kỳ thành công mục vụ nào. Những người bé mọn nào muốn tin cậy Ngài sẽ tìm được người bạn đồng hành nơi những người đã lắng nghe tiếng gọi của Thầy Chí Thánh. Mối quan tâm này của những người hành hương sẵn sàng từ bỏ chính mình, để không trở nên một vật cản và trở ngại cho những người anh em yếu đuối hơn mình, không chỉ thể hiện bộ mặt của một Giáo hội đích thực, nhưng trên hết, là sự thật về một Thiên Chúa tự do và yêu thương mọi người, đối với Người, không ai có thể đòi quyền sở hữu như một tài sản riêng.

Lm. Phê-rô Nguyễn Văn Cao

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org